Do gieo cấy muộn so với khung thời vụ tới hơn nửa tháng nên theo dự kiến, khoảng từ ngày 10 đến 20 tháng 6 toàn tỉnh mới bước vào thu hoạch vụ lúa chiêm - xuân. Nếu không có những diễn biến bất thường về thời tiết thì khả năng vụ đông - xuân 2007-2008 tỉnh ta ước đạt tổng sản lượng lương thực khoảng 878.656 tấn.

 Như vậy, so với mục tiêu lương thực năm 2008 phấn đấu đạt 1,598 triệu  tấn thì kế hoạch cho vụ sản xuất thu- mùa cần phải thực hiện là 719.544 tấn nữa.

 Để đạt mục tiêu trên,  trong vụ thu – mùa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng kế hoạch phấn đấu gieo cấy 135.000 ha lúa với năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha; gieo trồng 14.000 ha ngô với năng suất bình quân 35 tạ/ha... Sản xuất vụ thu- mùa sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi từ trước đó ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong những tháng đầu năm đã đẩy lùi thời vụ thu hoạch các loại cây trồng vụ đông - xuân thêm từ 15 đến 20 ngày so với bình thường. Nghĩa là về thời gian, chỉ chưa đầy 1 tháng,  các địa phương phải vừa thu hoạch vụ chiêm - xuân, vừa làm đất gieo  cấy vụ mùa. Thời gian thu hoạch và gieo trồng các các loại cây trồng giữa các vụ lại  quá gần nhau, đan xen nhau là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, phát triển từ cây trồng vụ trước sang cây trồng vụ sau. Song có lẽ  khó khăn lớn  nhất trong sản xuất vụ mùa hiện nay là giải quyết khâu giống cho trà mùa sớm. Trong tổng diện tích 135.000 ha lúa mùa thì cơ cấu mùa vụ được xác định 70.000 ha trà mùa sớm (trong đó có 25.000 ha lúa lai và 45.000 ha lúa thuần) thuận tiện cho việc bố trí gieo trồng các cây màu vụ đông.  Để gieo cấy số diện tích 70.000 ha lúa mùa sớm theo cơ cấu các trà như trên sẽ cần 625 tấn giống lúa lai ngắn ngày như Bồi tạp sơn thanh,VL20, VL24, TH3-3, Vân quang 14... và 3.600 tấn giống lúa thuần như Khang dân, Q5... Những yêu cầu bức xúc về giống lại diễn ra đúng vào lúc nguồn giống dự trữ đã được đưa ra gieo cấy hết trong vụ chiêm - xuân vừa qua...

Để giải quyết vấn đề giống lúa cho gieo cấy trà lúa mùa sớm, theo tổng hợp nhanh của Sở NN&PTNT đến đầu tháng 5-2008 các đơn vị cung ứng giống trong và ngoài tỉnh được dự kiến đăng ký cung ứng cho các địa phương trong tỉnh khoảng 420 tấn giống lúa lai và 1.800 tấn giống thuần. Số giống lúa lai dự kiến gieo cấy được khoảng 17.000 ha, bằng 68% kế hoạch; số giống lúa thuần dự kiến gieo cấy được khoảng 22.500 ha bằng khoảng 50% kế hoạch. Như vậy lượng giống cho các trà lúa mùa sớm tại các địa phương dự kiến cung ứng chỉ gieo cấy đạt 56,4% kế hoạch diện tích. Đó là chưa tính đến việc giống vụ mùa năm nay do khan hiếm nên giá bán sẽ khá cao.

 Trước tình hình trên, một số đơn vị kinh doanh giống vào  các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng tìm thu mua lúa đông - xuân mà bà con nông dân đang thu hoạch rồi đóng bao, gắn nhãn, mác về bán cho nông dân làm thóc giống. Như vậy lại nảy sinh thêm vấn đề chất lượng và  quản lý chất lượng lúa giống của các cơ quan chức năng.

 Theo chỉ đạo của ngành NN&PTNT, để bảo đảm lượng giống thiếu hụt, các huyện và cơ sở cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, chọn các ruộng lúa thu hoạch cuối tháng 5, đầu tháng 6, hoặc các ruộng lúa tốt đủ tiêu chuẩn làm giống để chỉ đạo nông dân  bón tăng thêm lượng phân ka ly từ 3-4 kg/sào. Đồng thời đối với các ruộng lúa này cần làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, khử lẫn, đánh giá chất lượng và khi lúa chín khoảng 90% thì thu hoạch để lấy giống tái giá. Tuy nhiên, qua khảo sát và nắm bắt tình hình tại một số huyện đồng bằng như Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Nông Cống... cho thấy hiện tại đời sống của nhiều hộ nông dân ở các địa phương sau rét đậm, rét hại cùng với dịch bệnh tai xanh đang rất khó khăn. Các địa phương trong tỉnh đều có chung kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh nên tác động với ngân hàng cho nông dân được vay vốn mua giống, phân bón cho sản xuất vụ mùa. Hoặc UBND tỉnh nên có cơ chế, chính sách như đối với vụ chiêm - xuân có thể ứng vốn cho các doanh nghiệp có chức năng mua giống tại các tỉnh miền Trung về hỗ trợ cho các cơ sở kịp gieo cấy đúng mùa vụ. Cũng theo phản ánh của nhiều địa phương, do khó khăn về nguồn giống nên việc bố trí quy hoạch và cơ cấu các trà lúa gieo cấy trong vụ mùa sẽ bị đảo lộn và khó kiểm soát. Đối với một số huyện đồng bằng, để bảo đảm các yếu tố thâm canh, ở vụ mùa thường khống chế  gieo cấy không quá 10 loại giống trong vụ, nhưng vụ mùa này khả năng mỗi huyện phải gieo cấy khoảng trên 20 loại giống. Đây cũng là yếu tố tác động, ảnh hưởng đến quá trình thâm canh tăng năng suất. Va, cũng do khó thực hiện đúng quy hoạch nên việc bảo đảm gieo cấy số diện tích 70.000 ha mùa sớm để bố trí gieo trồng các cây màu vụ đông sẽ rất khó khăn nếu các địa phương không có sự chỉ đạo thực hiện thật quyết liệt.

 Cùng với chủ động bố trí đủ nguồn giống lúa cho việc gieo cấy hết số diện tích mùa sớm trong khung thời vụ cho phép, các địa phương cần tập trung huy động mọi nguồn lực như lao động, phương tiện máy móc, trâu, bò vừa thu hoạch lúa chiêm - xuân, tiến hành giải phóng đất để kịp gieo trồng vụ thu- mùa. Trong điều kiện thời gian mùa vụ khá nghiêm ngặt, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện để các nhóm hộ nông dân có điều kiện đầu tư mua máy gặt, máy làm đất đẩy nhanh tiến độ các công đoạn này. Hiện tại, một số  địa phương đề xuất được hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi tạo điều kiện cho các hộ nông dân được vay vốn mua các phương tiện cơ giới vừa đẩy nhanh thu hoạch và tiến hành làm đất nhanh chóng, kịp thời vụ.

Nguồn: Vinanet