Năm 2011 được nhìn nhận là cơ hội đối với nhiều nước xuất khẩu lương thực. Nhưng mới đây, Hiệp hội Lượng thực Việt Nam (VFA) một lần nữa gây bất ngờ khi tuyên bố giảm giá sàn gạo xuất khẩu.
Theo VFA, kể từ ngày 14/02/2011, giá sàn loại gạo 25% tấm xuất khẩu từ 498 USD/tấn giảm 18 USD xuống còn 480 USD/tấn và loại gạo 5% tấm giảm 20 USD xuống còn 520 USD/tấn. Đây là lần thứ 8 VFA điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo, kể từ tháng 9/2010.
Toàn quyền và đặc quyền?
Đợt giảm giá sàn lần này đã tạo ra một số diễn biến: giá thu mua lúa giảm rõ; nông dân có ý “găm” hàng; cộng với lãi suất tín dụng, doanh nghiệp thêm lúng túng nếu không “đảo vòng quay” kịp thời… Điều đáng nói, tại cuộc họp đầu năm của VFA, chính Chủ tịch Trương Thanh Phong đã cảnh báo việc xuất gạo giá thấp sẽ gây thiệt hại do nhu cầu mua gạo thực sự sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Ông Phong còn khẳng định, chắc chắn Philippines sẽ phải mua ít nhất 1,5 triệu tấn gạo trong năm nay, chủ yếu từ Việt Nam. Giá gạo được dự báo sẽ tăng lên, bởi giá các loại lương thực khác như lúa mì, bắp… trên thế giới đang tăng mạnh, nguồn cung gạo không dư thừa so với nhu cầu, thiên tai đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới gây ảnh hưởng lớn tới mùa màng. Rồi khoảng tháng 6, tháng 7 tới, Indonesia sẽ tiếp tục mua gạo với khối lượng lớn. Trên cơ sở đó, ông Phong cho rằng, các doanh nghiệp không nên hoang mang, dao động, để rồi vội vàng bán đổ bán tháo gạo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế phân tích, giá gạo xuất khẩu ảnh hưởng đến giá thu mua lúa trong nước, mà giá thu mua lúa trong nước liên quan trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Như vậy, giá gạo xuất khẩu quyết định thu nhập của nông dân nên đúng ra giá thu mua lúa phải do nông dân hoặc Chính phủ thay nông dân quyết định. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Với cơ chế hiện nay, VFA được toàn quyền ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước. Cơ chế đó khiến nông dân - người làm ra hạt lúa - phụ thuộc vào VFA. Điều bất hợp lý trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay là VFA được giao định giá xuất khẩu nhưng lợi nhuận của họ lại độc lập với mức giá này, trong khi nông dân không được quyền tham gia ý kiến.
Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) khẳng định, xuất khẩu gạo của nước ta từ trước đến nay chủ yếu thông qua hai đầu mối là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Hai đơn vị này chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu, do vậy đã hình thành thế độc quyền trong điều hành xuất khẩu gạo.
“Do độc quyền, các tổng công ty có thể tự làm giá, điều tiết lưu thông mua bán lúa gạo của nông dân và xuất khẩu theo chủ quan của mình. Đương nhiên, lợi nhuận từ xuất khẩu gạo phần lớn thuộc về các doanh nghiệp này. Khi nắm trong tay thị trường tập trung (mua bán theo hình thức đấu thầu), các tổng công ty có đủ điều kiện định giá mua lúa gạo trong nước thấp hơn giá bỏ thầu để thu lợi. Các đối tác nước ngoài mua gạo theo hợp đồng thương mại sẽ không dại gì trả giá cao hơn giá bỏ thầu của các tổng công ty tại thị trường tập trung. Điều này khiến chúng ta đang bị tổn thất kép, ảnh hưởng tới quyền lợi của cả nông dân và nhà nước. Đáng nói là việc độc quyền còn gây ra nhiều hệ lụy khác, ví dụ như khi các tổng công ty lương thực chưa cần mua gạo để giãn tiến độ xuất khẩu thì lập tức giá lúa gạo trong nước xuống thấp, khiến nông dân khó khăn trong việc tiêu thụ và bị thương lái ép giá. Kéo theo đó, các tổng công ty lương thực sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính, tín dụng để mua gạo tạm trữ. Khuyết tật của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo đã gây bất bình cho người sản xuất, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, và làm giảm động lực sản xuất, triệt tiêu việc huy động nhân lực, vật lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Điều nguy hại hơn là dễ phát sinh tiêu cực trong xuất khẩu gạo”, ông Tụng nói.
Làm khó doanh nghiệp
Với cơ chế hiện nay, VFA được toàn quyền ấn định giá gạo xuất khẩu và ấn định giá thu mua lúa trong nước
Mệt mỏi về cung cách điều hành của VFA mấy năm qua, nhiều chủ doanh nghiệp có số lượng gạo xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi năm cũng chỉ biết “dậm chân”, “đấm ngực”… Bàn về “giảm giá sàn”, giám đốc một ngân hàng cho rằng, “đó là cách kiểm soát số lượng xuất khẩu, ít nhiều cách này cũng có lợi…”. Tuy nhiên, khi phóng viên nêu vấn đề tạm trữ 2 triệu tấn lúa vụ đông-xuân này làm giá lúa giảm nhanh, thì vị giám đốc ngân hàng này “bí” vì có lẽ ông chỉ là dân “ngoại đạo” với việc nội bộ ngành gạo. Trở lại thời điểm tháng 9/2010, chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, giá sàn xuất khẩu gạo có 4 lần tăng lên khiến cho lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh, kéo theo giá thu mua, tiêu thụ giảm theo. Trước việc điều hành này, doanh nghiệp thì “chùn tay” vì giá cao khó xuất, còn nông dân lại thắc mắc “lúa có giá, dân có lợi, sao hạn chế xuất?”. Nhà điều hành VFA lúc đó lý giải “phải linh hoạt cho kịp với giá gạo Thái Lan”.
Không chỉ vậy, năm 2009, vào thời điểm tháng 8, trên trang web của VFA “treo” giá 430 USD/tấn nhưng doanh nghiệp trực thuộc Vinafood 2 lại xuất giá “đối ngoại” với 400 USD/tấn. Một quan chức của Vianfood 2 đã “chống chế” rằng, giá sàn tháng 8/2009 là 410 USD/tấn nhưng có thể “linh động” cho doanh nghiệp hội viên xuất với giá 400 USD/tấn. Chính những mắc mớ này khiến chủ một doanh nghiệp bức xúc: “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia” hoặc là vấn đề “an ninh quốc gia” luôn là boongke bất khả, làm nhụt chí những người nhiệt huyết nhất, còn “dân làm ăn” đương nhiên phải an phận mà thôi!
Bài học từ Thái Lan
Đối với đầu ra của sản phẩm lúa gạo, chính phủ Thái Lan thực hiện chương trình can thiệp giá gạo để hỗ trợ nông dân trong nước nhằm tránh việc bà con bị ép giá vào vụ thu hoạch, đảm bảo cho Chính phủ chủ động trong điều tiết thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chính phủ Thái Lan cũng ấn định giá sàn thỏa đáng và sử dụng ngân sách thu mua lúa gạo cho nông dân vào các vụ thu hoạch để tạm trữ. Sau đó sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp mở kho tạm trữ, bán đấu giá cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo. Các ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã thuộc sở hữu nhà nước cam kết cung ứng vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ theo mức giá do Chính phủ quy định.
 

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày