Phương án sử dụng khoản kích cầu đầu tư 17.000 tỷ đồng trong năm 2009 đã được thông qua tại phiên họp Thường trực Chính phủ với Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.

Theo đó, 17.000 tỷ đồng này được sử dụng chủ yếu bằng hình thức bù lãi suất 4% khi doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp vay vốn lưu động để nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa thiết yếu, vay kinh doanh chứng khoán, tài chính, ngân hàng, vay vốn để trả nợ các hợp đồng tín dụng khác… không được hưởng chính sách ưu đãi này.

Đối tượng được vay gồm các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Đầu mối cho vay là các ngân hàng thương mại Việt Nam; thời điểm thực hiện bắt đầu ngay từ đầu năm 2009; thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 12 tháng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính triển khai ngay phương án cấp bù lãi suất thông qua cho vay vốn lưu động ở các ngân hàng thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu thủ tục cho vay nhanh, đơn giản, hiệu quả đối với các dự án, công trình kinh tế-xã hội đang triển khai và có khả năng hoàn thành trong năm 2009 và 2010 cũng như một số các công trình cấp bách, quan trọng khác.

Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có vốn điều lệ 20 tỷ đồng trở xuống và có dưới 500 lao động

Thường trực Chính phủ cũng cho ý kiến về cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có vốn điều lệ 20 tỷ đồng trở xuống và dưới 500 lao động.

Mức bảo lãnh tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh. Thời hạn bảo lãnh phù hợp với thời hạn cho vay và chu kỳ sản xuất kinh doanh. Phí bảo lãnh tối đa bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh.

Không bảo lãnh tín dụng cho những ngành nghề như tư vấn, kinh doanh chứng khoán, vui chơi giải trí…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đảm bảo nguồn 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để hình thành nguồn vốn ban đầu cho Quỹ bù đắp rủi ro bảo lãnh tín dụng.

 

Nguồn: Internet