Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam(Vitas) cho biết: Mặc dù mới ra quân đầu năm mới nhưng hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý I-2011. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng đến quý III năm nay. Đây là tín hiệu rất khả quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành trong năm 2011.
Theo ông Hồng, bên cạnh tin vui có nhiều đơn hàng nhưng sản xuất của các doanh nghiệp ngành dệt may vẫn còn nhiều khó khăn như: lãi suất ngân hàng cao, chi phí nguyên vật liệu vải, sợi, điện, chi phí lương cán bộ có xu hướng tăng cao so với năm 2010…. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là sản xuất nguyên liệu vải dệt từ sợi bông giảm 14,3% so với cùng kỳ và quần áo may sẵn chỉ tăng 12,4% (trong khi tháng 1-2010 tăng 31,9%).
Bên cạnh đó, ông Hồng cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên củng cố đội ngũ lao động nhằm tránh thiệt hại trong việc đền hợp đồng xuất khẩu do thời gian nghỉ tết kéo dài. Hiện nay đang có không ít doanh nghiệp dệt may vẫn chưa tập hợp đủ công nhân lao động để vào vụ sản xuất khi lượng hàng phải giao đang hết sức gấp gáp. Không những thế, đã có doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca bất thường cho các lao động hiện có vì sợ không kịp tiến độ giao hàng do công nhân nghỉ tết chưa đi làm đầy đủ. Theo ghi nhận của Vitas, hiện tại lượng đơn đặt hàng nhiều doanh nghiệp tăng trung bình 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vitas cho rằng, tới đây toàn ngành dệt may cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cũng như có chế tài đãi ngộ công nhân hơn nữa để tránh tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong những tháng đầu năm mới./.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày