Theo ECB và IMF, các ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng khoảng 0,8 tấn vàng dự trữ của mình từ đầu năm tới nay.

Các ngân hàng trung ương châu Âu mua ròng vàng lần đầu tiên hơn 2 thập kỷ, dấu hiệu mới nhất cho thấy bất ổn trên thị trường tiền tệ và nợ đã thay đổi thị trường vàng như thế nào.
Lượng mua vào rất nhỏ so với quy mô thị trường vàng toàn cầu, nhưng đáng chú ý bởi đánh dấu sự thay đổi từ làn sóng bán ra của các ngân hàng châu Âu.
Việc chuyển từ bán mạnh sang mua vào đã giúp đẩy giá vàng tăng 25% trong năm nay, chạm mức kỷ lục 1.920 USD/oz trong tháng này. Sự thay đổi tại châu Âu diễn ra khi ngân hàng trung ương các nước mới nổi cũng đang tăng lượng vàng nắm giữ.
Mexico, Nga, Hàn Quốc và Thái Lan đều mua vào lượng lớn vàng trong năm nay, một động thái giúp giảm tiếp xúc với đồng USD. Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương dự kiến năm nay mua nhiều vàng nhất kể từ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ 40 năm trước - lần gần đây nhất mà giá trị đồng USD được gắn với vàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng khoảng 25.000 ounce, tương đương 0,8 tấn vàng dự trữ của mình từ đầu năm tới nay.
Con số này không nhiều so với mức bán ra trung bình gần 400 tấn/năm kể từ năm 1999, khi họ đổi vàng không sinh lời và lỗi thời lấy nợ công. Tiêu thụ vàng toàn cầu khoảng 4.500 tấn/năm.
Hầu hết lượng mua vào tại châu Âu liên quan tới động thái tham gia khu vực đồng tiền chung euro từ đầu năm nay của Estonia. Ngân hàng Trung ương Estonia đã mua vàng để tăng dự trữ của ECB, theo thông báo của ECB trong tháng 1. Ngoài ra, Malta cũng mua 3.000 ounce vàng.

Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng châu Âu đã không mua ròng vàng kể từ năm 1985.
Việc chuyển sang mua vào diễn ra khi một số chính trị gia tại khu vực đồng euro đang kêu gọi các nước nợ lớn như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italia bán vàng dự trữ để giảm nợ.
Tuy nhiên, với giá vàng hiện nay thì động thái như vậy sẽ chẳng tác động nhiều tới nợ của các nước này, trong khi sẽ làm tăng lo ngại của giới đầu tư về khu vực đồng euro.

Theo Gafin