Trong 3 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận vấn đề an ninh lương thực và chính sách nông nghiệp. Trước cuộc họp, bà Maryam Rahmanian - thuộc Trung tâm Phát triển bền vững của Iran - lên tiếng cho rằng, các chính sách tự do thương mại đã làm tổn hại đến hệ thống lương thực và gây ra cuộc khủng hoảng lương thực mà thế giới đang đối mặt.
Bà Gunilla Olsen - thuộc Quỹ Phát triển Nông nghiệp LHQ (IFAD) - thì cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực phản ánh cuộc khủng hoảng chính sách và khủng hoảng xã hội kéo dài và có xu hướng gia tăng. Một số cuộc biểu tình của các phong trào nông dân quốc tế đã diễn ra tại Rome trước thềm hội nghị.
Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda ở thăm Đức hôm 1.6 cũng dành nhiều thời gian thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về vấn đề lương thực. Ông kêu gọi hành động khẩn cấp để đảm bảo lương thực cho các nước nghèo. Về lâu dài, ông cho rằng các nước giàu cần giúp nước nghèo công nghệ và giống lương thực để tăng cường sản xuất và tăng khả năng tự cung cấp.
Tuần trước, ông cam kết tăng viện trợ cho Châu Phi từ mức 1,7 tỉ USD mỗi năm hiện giờ lên gấp đôi vào năm 2012. Tuy nhiên, Nhật vẫn viện trợ cho Châu Phi ít hơn so với Mỹ, Anh, Pháp hay Đức. Ông Fukuda cho biết, tại hội nghị G8 ở Nhật Bản tháng bảy tới, lương thực sẽ là nội dung chính. Bà Merkel hứa thúc đẩy lãnh đạo G8 thông qua các biện pháp chung để đối phó với cơn bão giá toàn cầu.
Vietstock

Nguồn: Internet