Các chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều nhân tố góp phần đẩy tăng giá lương thực tăng cao. Trước hết phải đề cập đến vấn đề biến đổi thời tiết bất thường khiến các mùa vụ bị thất thu. Hiện tượng sa mạc hoá đang ảnh hưởng mạnh tới Trung Quốc và các vùng cận sa mạc Xahara châu Phi, trong khi lụt lội và sự biến đổi lượng mưa lại đang có tác động không nhỏ tới sản lượng nông nghiệp. Thêm nữa tình trạng nóng ấm toàn cầu cũng như sự chuyển dịch trong quá trình sản xuất nông nghiệp từ lương thực sang năng lượng sinh học cũng là nguyên nhân quan trọng trong việc đẩy giá cả tăng cao.
Nhân tố tiếp theo, đó là sự gia tăng dân số thế giới - được dự báo sẽ tăng lên 9 tỷ người vào giữa thể kỷ 21. Điều này dẫn tới nhu cầu lương thực khổng lồ, đồng thời tạo áp lực lên một loạt các nguồn tài nguyên như đất, nước và dầu mỏ. Đặc biệt, nhu cầu lương thực tăng mạnh ở một số nước nhập khẩu gạo, nơi không chỉ dân số gia tăng, mà thu nhập cũng được cải thiện.
Bên cạnh đó, do khả năng giá cả tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng tích trữ lương thực ở nhiều nước. Cuối cùng, do tâm lý giá lương thực khá ổn định trong thời gian qua, nên thời kỳ này, dự trữ lương thực ở mức thấp nhất từ trước đến nay, đồng thời thiếu đầu tư nông nghiệp dài hạn.
Đối với Ấn Độ- nước trồng lúa lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc- sản lượng gạo chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, chỉ trừ loại basmati, nhằm kiềm chế giá lương thực tăng, đang khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng qua. Các quan chức nước này khẳng định cho đến lúc này, chưa có nguy cơ gì, vì Ấn Độ có đủ số lương thực dự trữ để cung cấp cho người dân của họ. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho rằng sự bền vững của việc canh tác lúa ở Ấn Độ cũng như các nước khác đang bị đe doạ bởi tình trạng lạm dụng quá mức các loại phân bón và sự mầu mỡ của đất đai. Trong ba năm qua, dự trữ lương thực đã giảm xuống trong bối cảnh tăng trưởng nông nghiệp không theo kịp phần còn lại của nền kinh tế. Và vì sức mua của tầng lớp nghèo Ấn Độ còn thấp, nên giá cả thậm chí chỉ tăng ít cũng có thể khiến cho thu nhập thực sự của người dân bị giảm sút.
Giá gạo tăng cũng đã khiến người dân Băngla Đét đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng nhất kể từ nạn đói năm 1974. Năm ngoái, giá gạo đã tăng gần gấp đôi, trong khi lương không được tăng tương ứng. Hàng trăm gia đình nghèo hiện nay sống lay lắt với một bữa ăn mỗi ngày, và chi phí tới 70-80% thu nhập của họ vào thực phẩm. Vấn đề trở nên cấp bách hơn ở các khu vực thành thị, nơi các tổ chức viện trợ cho biết họ rất lo ngại về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Nước này phải nhập 4 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong 6 tháng qua - tăng trên gấp đôi so với số lượng bình thường.
Từng là một nước tự túc lương thực, năm 2007 Philíppin đã bị Bộ Nông nghiệp Mỹ xếp đầu danh sách trong số các nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, trước cả Nigêria, Inđônêxia và Băngla Đét. Trong 20 năm qua, nước này đã mất gần 50% diện tích đất canh tác cho phát triển đô thị hoá nhanh chóng. Nhu cầu trong nước tăng mạnh trong bối cảnh dân số ngày càng đông, do đó đẩy giá lương thực lên cao. Với số lượng gạo dự trữ thấp, chính phủ đang đàm phán với các nước láng giềng để đảm bảo số lượng gạo nhập khẩu.
Còn đối với Thái Lan- nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- chưa đưa ra bất cứ hạn chế nào về xuất khẩu, và bác bỏ những thông tin rằng họ đang cân nhắc để đưa ra giải pháp này. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu phàn nàn rằng họ muốn có một giá gạo ổn định hơn. Trong khi đó, một số chủ cối xay đã tích trữ gạo nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn sau đó, và đẩy giá cao hơn khi nguồn cung bị hạn chế. Thực tế, giá gạo cao cũng không giúp được gì cho nông dân, vì người dân nghèo vẫn phải vay nợ để mua giống và phân bón, chi phí canh tác và thu hoạch theo một mô hình "ấn định giá trước" của giới thương gia. Trước cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng nghiêm trọng, chính phủ đã quyết định mở kho dự trữ gạo, đưa ra bán 2,1 tấn, nhằm nỗ lực kiềm chế lạm phát, và cho biết họ sẽ củng cố một nguyên tắc rằng các nhà xuất khẩu nên dành ra ít nhất 500 tấn gạo để ngăn chặn khả năng thiếu lương thực. Giá gạo đã tăng trên 30% năm 2007 và tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2008. Khi cuộc sống trở nên sung túc hơn, người Thái tiêu thụ những thực phẩm cao cấp khác và ăn gạo ít hơn.
Cũng giống như Thái Lan, người tiêu dùng Trung Quốc cũng tiêu thụ ít gạo hơn khi thu nhập của họ tăng. Thay vào đó, họ chuyển sang ăn thịt và các sản phẩm bơ sữa. Tuy nhiên, chính phủ, nhận thức rõ những căng thẳng xã hội hoặc chính trị do lạm phát lương thực gây ra, đã đưa ra quy định hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Phần đông các nhà bình luận tin rằng thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ bất ổn mới, và giá cả leo thang sẽ còn kéo dài một thời gian nữa. Đây cũng là một phần trong tình trạng tăng giá lương thực nói chung trên toàn cầu, do đó giải pháp chuyển sang các thực phẩm rẻ hơn là khó khả thi, vì các loại thực phẩm này có thể không có sẵn trên thị trường. Các nhà sản xuất, kể cả Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, đã hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh họ nỗ lực duy trì kho dự trữ và kiềm chế lạm phát. Do đó, các nước nhập khẩu như Bangla Đét, Philípin và Ápganixtan đã bị ảnh hưởng mạnh bởi những chính sách này. Giá lương thực được dự báo vẫn còn dao động mạnh, dù sản lượng có thể tăng vào cuối năm nay khi người nông dân Thái Lan và Việt Nam trồng thêm các mùa vụ mới.
 

Nguồn: Internet