Tổ chức di cư quốc tế (IOM) cho biết, mặc dù nền kinh tế thế giới đang đi xuống, các nước giàu có trên thế giới sẽ tiếp tục cần nhân công nước ngoài để bù đắp vào lực lượng lao động đang giảm đi của họ. Hiện có hơn 200 triệu người di cư ở khắp thế giới, nhiều gấp 2,5 lần so với số người di cư năm 1965. Các nước phát triển đang cạnh tranh nhau thu nhận các công nhân lành nghề, nhưng nhu cầu về công nhân có trình độ chuyên môn thấp hơn cũng đang tăng lên ở các nước giàu có.
Các nước châu Âu hiện có số người di cư nhiều nhất thế giới với 70,5 triệu người trong năm 2005 (năm có số liệu thống kê mới nhất), trong đó Lúcxămbua và Líttenxtanh có tỷ lệ người nhập cư đông nhất so với dân số nước họ, lần lượt là 37,3% và 33,5%; tiếp đến là Thụy Sỹ (22,9%), Látvia (19,5%) và Êxtônia (15,2%). Bắc Mỹ có số người di cư đông thứ hai với hơn 45,1 triệu người; tiếp đó là châu Á với gần 25,3 triệu người. Hầu hết các công nhân di cư hiện nay đến từ các nước châu Á và theo số liệu về nhân khẩu học, đến năm 2030, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cung cấp 40% lực lượng lao động toàn cầu. Người phát ngôn của IOM, Jemini Pandya, cho biết có những công việc mà người dân các nước chủ nhà không muốn làm. Ở nhiều nước nhu cầu về lao động làm việc trong các ngành y tế và công nghiệp dịch vụ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, hiện tại người di cư đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề quản lý người nhập cư ở các nước sở tại. Hội đồng IOM lần thứ 16 được triệu tập tại Giơnevơ ngày 2/12 để xem xét những thách thức này cũng như những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đối với người di cư.

Nguồn: Vinanet