Sau hơn 4 tháng nghiên cứu chuẩn bị, Canađa và Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), tập trung trước hết vào một số lĩnh vực, gồm trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nếu thành công, hiệp định này sẽ đóng góp cho nền kinh tế Canađa mỗi năm thêm 12 tỷ đôla Canađa (CAD).
Tuy nhiên, việc khai phá con đường tự do thương mại với thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là Canađa, sau Mỹ, sẽ không dễ dàng trong bối cảnh EU chuẩn bị ra lệnh cấm 27 nước thành viên nhập khẩu các sản phẩm từ hải cẩu. Các vùng lãnh thổ Newfoundland và Labrador của Canađa cũng đang phản đối các thỏa thuận thương mại giữa Canađa và EU, do lo ngại nó sẽ gây bất lợi cho ngành thủy sản và lông thú của vùng này. Trong khi đó, EU lại muốn có sự ủng hộ của tất cả các vùng lãnh thổ của Canađa, giúp cho việc đàm phán nhanh chóng hoàn tất.
Bộ trưởng Thương mại Canađa Stockwell Day cho biết, các cuộc đàm phán về một "hiệp định kinh tế toàn diện" với EU sẽ bắt đầu trong vài tháng tới. Đây là một nhiệm vụ được Chính phủ Canađa ưu tiên và Canađa "đã sẵn sàng cho các cuộc thương lượng toàn diện càng sớm càng tốt". Ông Day cho rằng trong thời kỳ kinh tế biến động như hiện nay, việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư và trao đổi thương mại với nước ngoài rất có ý nghĩa đối với Canađa.
Một nghiên cứu về kinh tế chung giữa Canađa và EU dự báo, nếu đạt được FTA, trao đổi thương mại hai chiều sẽ tăng khoảng 20%. Năm 2008, xuất khẩu của Canađa sang EU tăng 3,5%, đạt 36,1 tỷ CAD, trong khi trao đổi thương mại 2 chiều tăng 7%, đạt 90,1 tỷ CAD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Canađa sang EU là kim loại quý, đá quý, máy móc, nhiên liệu khai thác và dầu, trong khi EU là nguồn cung cấp quan trọng cho Canađa những công nghệ mới.
Trong các cuộc đàm phán sắp tới, Canađa và EU sẽ thảo luận về 14 lĩnh vực lớn, gồm có trao đổi hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, các quy định về thuế quan, các rào cản kỹ thuật với thương mại, chính sách cạnh tranh và phát triển bền vững.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam