Tổng thống Philippines G. M. Arroyo hôm thứ sáu tuần trước đã triệu tập một cuộc họp với sự tham dự của các quan chức đứng đầu chính phủ và các chuyên gia nông nghiệp trong một nỗ lực mới nhất nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực và kiểm soát giá gạo đang tăng vọt.
Khủng hoảng vượt ra ngoài Philippines
Theo một thông báo gần đây của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), góp phần vào sự tăng mạnh của giá lương thực trên toàn cầu, giá gạo trên thế giới đã tăng khoảng 20% trong ba tháng qua và ít nhất gấp đôi kể từ năm 2004 và còn có thể tăng trong những tháng tới.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến giá gạo tăng là do giá nhiên liệu và phân bón tăng, sản lượng lúa gạo bị giảm do thiên tai, sâu bệnh và thay đổi khí hậu.
Một nguyên nhân khác do một số quốc gia như Mỹ gây ra do sử dụng ngày càng nhiều ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Hãng AP dẫn lời nhà kinh tế cấp cao Terry Francl đang làm việc cho tổ chức American Farm Bureau Federation cho biết, khoảng 20% sản lượng 13 tỷ giạ ngô vào năm ngoái đã được dùng để sản xuất ethanol. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 30% trong vụ ngô năm tới kết thúc vào ngày 31 – 8 – 2009.
Giá lương thực tăng mạnh đang làm hao hụt túi tiền của người tiêu dùng và gây nguy cơ thiếu gạo trên toàn châu Á, khiến các nước phải tăng cường các biện pháp đối phó để ổn định thị trường trong nước.
Mọi việc đang trở nên căng thẳng tại Philippines, nơi Bộ trưởng Nông nghiệp Arthur Yap vừa kêu gọi người người dân không nên để cơm thừa và kêu gọi các nhà hàng bán thức ăn nhanh hãy bán nửa bát cơm một để tránh lãng phí.
Tuần trước, Tổng thống G. Arroyo đã thỏa thuận mua tới 1,5 tấn gạo của Việt Nam với giá trung bình 708,04 USD/tấn, cao hơn 49% so với mức giá mà nước này đã trả vào tháng giêng vừa qua.
Bà Arroyo cũng lệnh xử phạt nặng mọi cá nhân, tổ chức có hành vi tích trữ đầu cơ trục lợi về gạo được trợ giá.
Philippines là thí dụ rõ ràng nhất về tác động của tình trạng khan hiếm gạo nhưng tại nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng có nguy cơ xảy ra tác động tiêu cực do tình trạng khan hiếm này. Các chuyên gia cảnh báo, giá lương thực tăng cao dẫn tới tăng lạm phát và giảm đáng kể thu nhập thực của những người nghèo ở châu Á và khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn gấp bội.
Giá gạo Việt Nam có nguy cơ tăng mạnh
Giá gạo của hai nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới là Thái-lan và Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trừ gạo basmati (gạo hạt dài, thơm ngon nhất của Ấn Độ).
Thứ hai tuần trước, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu 4 triệu tấn gạo mỗi năm, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trừ loại gạo basmati để bảo đảm nước này có đủ gạo cung cấp cho hơn một triệu người và để giảm sức ép tăng giá trong nước. Giá hàng hóa bán buôn tại Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng qua.
Các nhà giao dịch cho rằng lệnh cấm nói trên có thể dẫn đến sự tranh giành trong các nước nhập khẩu gạo đang nỗ lực bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái-lan Mingkwan Saengsuwan vừa dự đoán giá gạo jasmine của Thái-lan sẽ tăng gấp đôi, lên 968 USD/tấn trong quý tới so với mức 484 USD/tấn hiện nay.
Một số quan chức và chuyên gia Thái-lan cảnh báo nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm gạo ở ngay chính trong nước do giá gạo tăng vọt ở các thị trường nước ngoài sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Thái-lan tăng lượng gạo xuất khẩu.
Tuy nhiên, chính phủ Thái-lan đã đánh tiếng là sẽ kiểm soát xuất khẩu gạo, và nói lượng gạo dự trữ chính thức 2,1 triệu tấn là đủ cho tiêu dùng trong nước. Hôm thứ sáu vừa qua, Thủ tướng Samak Sundaravej nói: "Đơn giản đó là vấn đề cung cầu về gạo đã gây ra sự thiếu hụt nhất định và làm tăng giá trong giai đoạn này".
Giá gạo tăng gần gấp đôi chỉ trong một năm tại Bangladesh, nơi chỉ số giá lương thực cũng trong thời gian này tăng tới 16% sau các trận lụt lớn vào tháng 7 và tháng 8 và cơn lốc Sidr vào tháng 11 năm ngoái phá hủy mùa màng.
Chính phủ Bangladesh hôm thứ hai tuần trước thông báo sẽ nhập khẩu 400 nghìn tấn gạo của Ấn Độ vào cuối tháng 5 năm nay để bán dưới giá thành tại thị trường mở nhằm giảm giá gạo đang tăng vọt hiện nay.
Bộ trưởng Nông nghiệp Molla Wahiduzzaman nói, lượng gạo mua thêm này sẽ làm tăng tổng lượng gạo trợ giá sẵn có tại các cửa hàng do chính phủ quản lý lên 120 nghìn tấn trong tháng 4, gấp gần ba lần so với lượng gạo sẵn có trước đây.
Các cửa hàng của chính phủ Bangladesh bán gạo với giá 25 taka/kg, thấp hơn khoảng 40% so với giá thị trường.
Hạn chế xuất khẩu - giải pháp nóng
Thái-lan dường như là quốc gia duy nhất nói về việc bán gạo trong khi nhiều quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo và giữ thêm nhiều lương thực hơn ở trong nước.
Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã tạm ngừng ký các thỏa thuận xuất khẩu gạo mới trong tháng 3 và tháng 4. Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo Việt Nam sẽ cắt giảm 22% lượng gạo xuất khẩu trong năm nay do Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng mạnh trong nước và để bảo đảm nguồn cung lương thực.
Campuchia, quốc gia luôn có dư thừa về gạo, tuần trước cũng thông báo cấm xuất khẩu gạo trong hai tháng.
Giá gạo tại Campuchia đã tăng mạnh từ khoảng 40 cent/kg lên gần 1 USD/kg, dẫn đến có yêu cầu là chính phủ phải áp đặt giá trần.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói quy định cấm xuất khẩu nói trên là một biện pháp tạm thời để bảo đảm an ninh lương thực, và cho rằng "sự phá hoại về kinh tế" đã gây ra việc tăng giá gạo.
Indonesia là một nước lớn nữa về xuất khẩu gạo nhưng cũng cần có nhiều gạo để cung cấp cho lượng dân số lớn. Nước này đang soạn thảo một quy định cấm xuất khẩu gạo. Theo Bisnis, tờ báo kinh tế hàng đầu của Indonesia, chính phủ Indonesia lo ngại về chênh lệch giá ngày càng tăng giữa giá gạo trong nước và quốc tế có thể thúc đẩy các nhà sản xuất gạo trong nước xuất khẩu gạo với số lượng lớn.
Gần đây, chính phủ Indonesia đã thông qua cơ quan hậu cần Bilog do nhà nước điều hành để nhập khẩu tới 1,5 triệu tấn gạo nhằm bảo đảm lượng cung trong nước, thậm chí khi các quan chức nông nghiệp nước này cho biết có khả năng năm nay sản lượng gạo của nước này thừa 2,3 triệu tấn.
Các quan chức Indonesia cho rằng, lượng dư thừa này là quá nhỏ để khiến Indonesia trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn.
Xung đột mục tiêu nhiên liệu và lương thực
Tại cuộc họp báo ở Brussels ngày 26 – 3 vừa qua, ông Rajendra Pachauri, nhà khoa học về thay đổi khí hậu đồng thời là người từng đoạt giải Nobel Hòa bình nói: "Chúng ta nên rất, rất thận trọng về việc theo đuổi các giải pháp nhiên liệu sinh học mà ảnh hưởng lớn tới sản xuất lương thực và có thể có liên quan tới an ninh lương thực nói chung".
Cũng trong ngày 26 – 3 tại Singapore, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P. Chidambaram nói: "Là công dân thế giới, chúng ta nên lo ngại về sự dại dột trong việc trồng cây lương thực để rồi chuyển nó thành nhiên liệu sinh học".
Một trong số rất ít tin tốt đó là tuyên bố của FAO đưa ra hôm thứ tư tuần trước cho biết sản lượng gạo trên thế giới dự kiến sẽ tăng trong năm nay tại tất cả các nước sản xuất gạo lớn ở châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái-lan.
Sản lượng gạo sẽ tăng 12 triệu tấn, tương đương 1,8%, với điều kiện thời tiết bình thường, và qua đó làm giảm bởt thực trạng nguồn cung eo hẹp tại các nước sản xuất gạo chính
FAO cho biết, giá gạo đang tăng vọt trên thế giới có thể sẽ giảm trong vài tháng tới do đến vụ mùa thu hoạch mới tại khu vực Mỹ la-tinh và châu Á.
 

Nguồn: Internet