Các nền kinh tế đang nổi của châu Á từ lâu đã là những nền kinh tế năng động nhất thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng hàng năm 7,5% trong thập kỷ qua, nhanh gấp 2,5 lần so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong năm qua, châu Á đã bị ảnh hưởng bởi một loạt "cơn bão": sự suy giảm kinh tế và cuộc khủng hoảng tín dụng ở các nước giàu có, giá năng lượng tăng, và lạm phát tăng vọt. Ngoài ra, có những khó khăn đặc biệt đối với các nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới và phụ thuộc vào năng lượng và nhiều người lo ngại rằng chúng sẽ phá hủy nghiêm trọng triển vọng phát triển của châu Á.
Các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của châu Á đã được lợi nhiều hơn bất kỳ khu vực nào do sự khấm khá hơn của người tiêu dùng Mỹ. Do đó, các nhà sản xuất đã bị ảnh hưởng bởi sự trì trệ trong nhu cầu ở Mỹ. Xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa trong năm 2009, và các thị trường châu Âu cũng sẽ bị co lại. Mỹ và châu Âu sẽ mua hàng hóa của châu Á đang nổi lên ít hơn khoảng 30% tổng số hàng xuất khẩu của họ. Hơn một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được chuyển sang các nền kinh tế đang nổi, nơi nhu cầu vẫn còn mạnh hơn.
Một số nền kinh tế nhỏ hơn, như Xingapo và Hồng Công, dễ bị tổn thương hơn, với xuất khẩu sang Mỹ chiếm 20-30% GDP (so với chỉ 8% sang Trung Quốc) và do đó sẽ tăng trưởng chậm hơn nhiều. Tuy nhiên, ở hầu hết mọi nơi, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư hạ tầng cơ sở sẽ vẫn phát tăng mạnh và do đó sẽ giúp bù đắp cho xuất khẩu yếu đi. Ví dụ, doanh số bán lẻ của Trung Quốc có thể sẽ tăng khoảng 15% trong năm 2009.
Các thị trường chứng khoán trong khu vực đã sụp đổ trong thời gian gần đây, nhưng các nước châu Á phần lớn đã tránh được tác động quá mức của cuộc khủng hoảng tài chính đã tàn phá nhiều nền kinh tế phương Tây. Nợ của khu vực tư nhân thấp, việc nắm giữ các khoản vốn rủi ro của ngân hàng nhỏ và các nền kinh tế ít phụ thuộc vào vốn nước ngoài hơn. Chỉ có trường hợp ngoại lệ Hàn Quốc, nơi các ngân hàng vay nhiều tiền của nước ngoài để tài trợ cho những khoản vay tăng đột biến của các công ty và hộ gia đình trong nước họ. Không giống như hầu hết các nền kinh tế châu Á khác, Hàn Quốc cũng bị thâm hụt về tài khoản vãng lại. Do đó, kinh tế nước này bị cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh hơn các nước khảc trong khu vực.
Tuy nhiên, nhìn chung các nền kinh tế châu Á không được tốt như một thập kỷ trước đây, cũng như khi so sánh chúng với các các nền kinh tế đang nổi lên khác ở Đông Âu và Mỹ Latinh. Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2008, sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng ở châu Á đang nổi lên sẽ chậm lại, nhưng không trì trệ trong năm 2009, với mức dưới 7%. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với 9% của năm 2007, và không bền vững. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu trong nước hơn xuất khẩu, sẽ là một sự dừng lại, cần làm mới lại. Nếu sự đi xuống của kinh tế toàn cầu buộc các chính phủ châu Á chuyển từ xuất khẩu sang tiêu dùng, thì điều này sẽ giúp tốc độ phát triển trong tương lai bền vững hơn.
Nếu nhu cầu trong nước không tăng, một số nước kể cả Trung Quốc, Xingapo và vùng lãnh thổ Đài Loan, sẽ bị thâm hụt ngân sách. Điều này cho phép họ hỗ trợ nền kinh tế bằng chi phí cao hơn hoặc giảm thuế. Tuy nhiên, khoản thâm hụt trong ngân sách của Ấn Độ chiếm 8% GDP (kể cả các khoản trợ cấp ngoài ngân sách) sẽ khiến cho họ không có bước đệm như vậy.
Tỷ lệ lạm phát của châu Á đang nổi lên đã lên tới 8% vào giữa năm 2008, tăng so với tỷ lệ trung bình 2,8% kể từ năm 2000. Trung Quốc đã có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 12 năm nay. Xingapo và Malaixia cũng có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 25 năm nay. Nhưng tin tức tốt lành là tỷ lệ lạm phát sẽ giảm đi trong năm 2009.
Nguyên nhân khiến cho tỷ lệ lạm phát tăng lên là do giá lương thực tăng, và ở mức độ thấp hơn là do giá dầu tăng. Lương thực đã góp phần làm cho chi tiêu tiêu dùng giảm nhiều hơn ở các nước này so với thế giới giàu có. Lạm phát tăng lên cũng do tốc độ tăng thái quá ở một số nền kinh tế (làm cho lương tăng lên).
Do đó, có 2 lực lượng sẽ giúp giảm tỷ lệ lạm phát trong năm 2009: Thứ nhất, nếu giá lương thực và giá năng lượng ổn định ở mức thấp như hiện nay, thì tỷ lệ lạm phát hàng năm sẽ giảm. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng thấp cũng sẽ giúp làm giảm nhu cầu tăng lương. Tỷ lệ lạm phát ở châu Á đang nổi lên sẽ giảm xuống mức dưới 4% trong năm 2009. Điều này sẽ tạo cho các ngân hàng trung ương có điều kiện để giảm lãi suất. Và do châu Á dùng nhiều năng lượng hơn để tạo ra một đôla GDP so với các khu vực khác của thế giới, nên họ cũng sẽ được hưởng sự thúc đẩy lớn nhất từ giá dầu thấp hơn.
Mối lo ngại lâu dài là liệu giá lao động đắt hơn có làm mất động lực cạnh tranh của châu Á không. Chi phí lao động đang tăng lên nhanh hơn rất nhiều so với thế giới phát triển, buộc một số công ty Trung Quốc phải đóng cửa. Nhưng mức lương của các công nhân trong khu vực sản xuất của Trung Quốc vẫn thấp hơn 10% so với mức lương ở Mỹ.
Sẽ có nhiều nhà máy hơn ở miền Nam Trung Quốc bị phá sản trong năm 2009 bởi vì nước này bắt đầu mất khả năng cạnh tranh ở một số sản phẩm có giá trị thấp như đồ chơi, giầy dép và hàng dệt may. Điều này buộc các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sang sản xuất những mặt hàng có giá trị cao, như ở Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan đã làm những năm trước đây. Nhưng đây là bằng chứng của thành công khi các nước này giàu hơn, chứ không phải là dấu hiệu cạnh tranh giảm đi.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam