Cùng với những tiến triển trong đàm phán về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ, WFP và Hàn Quốc đã có kế hoạch viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên.

Tình hình thiếu đói tăng hơn năm ngoái

CHDCND Triều Tiên và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về việc Mỹ viện trợ khẩn cấp 500.000 tấn lương thực cho nước này, sau khi các chuyên gia Mỹ tới CHDCND Triều Tiên đầu tháng 5 để đánh giá tình hình lương thực tại đây và xác định cơ chế giám sát quá trình phân phối viện trợ.

Động thái này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng cung cấp cho Washington 18.000 trang tài liệu về các hoạt động hạt nhân của nước này, mở đường cho tiến trình đàm phán sáu bên tiến tới giai đoạn CHDCND Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân.

Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Dana Perino nêu rõ, tình hình thiếu hụt lương thực ở CHDCND Triều Tiên năm nay có nguy cơ tồi tệ hơn năm ngoái do các trận lũ phá hủy hơn 11% diện tích canh tác. Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, số lương thực viện trợ trên sẽ bắt đầu được Chương trình lương thực thế giới của Liên hiệp quốc và một tổ chức từ thiện khác phân phối từ tháng 6 tới và kéo dài 12 tháng.

Hàn Quốc cũng vừa tuyên bố sẽ xây dựng kế hoạch viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên vào bất cứ lúc nào có thể. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Chính phủ nước này sẵn sàng đàm phán với CHDCND Triều Tiên về hoạt động cứu trợ lương thực.

Hàn Quốc cũng cho biết sẽ không xem xét cung cấp lương thực cho CHDCND Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế hoặc tham gia chương trình viện trợ lương thực của Mỹ. Giới phân tích nhận xét, đây là một thay đổi trong quan điểm của Seoul. Chính phủ Hàn Quốc dường như đang muốn tiếp xúc trực tiếp với CHDCND Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, vấn đề viện trợ lương thực sẽ là thước đo để đánh giá quan hệ liên Triều. Lập trường của Chính phủ Hàn Quốc là sẽ chỉ viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đề nghị. Tuy nhiên, các động thái của Seoul sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế.

Chuyển biến trong đàm phán hạt nhân

WFP đang xem xét sử dụng lượng lương thực dự trữ hỗ trợ cho CHDCND Triều Tiên để tiết kiệm thời gian. Đài tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời người phát ngôn của WFP Paul Risley cho biết, việc thu gom và vận chuyển lương thực sẽ mất nhiều thời gian nên WFP có thể sẽ chuyển lương thực dự trữ tới Triều Tiên trước và sau đó Mỹ sẽ bù lại lượng lương thực này. Ông Risley cũng cho biết các quan chức WFP sẽ sang Triều Tiên vào tuần tới để đánh giá tình hình lương thực tại đây.

Việc Mỹ, Hàn Quốc và WFP tích cực viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên gắn liền với những tiến triển trong quá trình đàm phán giữa các bên với CHDCND Triều Tiên, chung quanh vấn đề hạt nhân của nước này. Theo hãng KBS Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí về việc phá hủy tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân tại Yongbyun.

Phát biểu với báo chí ngày 21/5 về kết quả hội đàm giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Sook cho biết, CHDCND Triều Tiên đã cam kết phá hủy tháp làm lạnh ngay trước khi diễn ra vòng đàm phán 6 bên tiếp theo.

Trưởng đoàn Kim cho biết, Mỹ đánh giá những tài liệu hạt nhân và danh mục trên của CHDCND Triều Tiên rất cụ thể và hữu ích. Được biết, Bình Nhưỡng sẽ công bố danh sách toàn bộ chương trình hạt nhân của mình vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, nếu Washington đánh giá tích cực về các tài liệu hạt nhân của nước này.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Mỹ Christopher Hill cũng cho biết, CHDCND Triều Tiên sẽ sớm công khai các chương trình và nguyên liệu hạt nhân của nước này. Ông hy vọng, tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ được đẩy nhanh trong một vài tuần tới. Ông Hill cho biết thêm, báo cáo hạt nhân của Bình Nhưỡng bao gồm tất cả các chương trình hạt nhân của nước này trong đó có cả chương trình plutonium và làm giàu uranium.

Trong khi đó, trưởng đoàn Nhật Saiki Akitaka tỏ ra dè dặt với đề nghị viện trợ năng lượng cho CHDCND Triều Tiên. Ông cho rằng trước hết cần giải quyết các vấn đề song phương giữa Bình Nhưỡng và Tokyo, trong đó có vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc.
 

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam