Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Niu Đêli (Ấn Độ) ngày 9/4, ông Diouf nói rằng trước cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, nhất là ở châu Phi và Haiti, thế giới thực sự đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp. Theo người đứng đầu FAO, nhiều bộ phận dân cư đã chuyển tới sinh sống tại các khu vực thành thị, trong khi sản lượng lương thực sụt giảm, giá lương thực tăng mạnh và dự trữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980.
Ông Diouf nói rằng 191 thành viên của FAO cần phải giải quyết khủng hoảng này tại hội nghị của FAO ở Rôma vào đầu tháng 6 tới. Ông cho hay ở những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia chiếm 1/3 dân số thế giới, nhu cầu sữa và thịt cao hơn, do tốc độ tăng trưởng GDP cao luôn ở mức 8-10%, có nghĩa là nhu cầu về ngũ cốc cũng leo thang, và điều này đang làm tồi tệ thêm tình trạng thiếu lương thực hiện nay.
Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của LHQ (IFAD), Lennart Bage, nói rằng các chính phủ trên thế giới đang nhận ra vấn đề an ninh lương thực. Trong khi đó, Chủ tịch Tổ chức Phát triển Công nghiệp của LHQ (UNIDO), Kandeh Yumkella, cho rằng các mối liên kết thương mại rộng hơn và sự tập trung vào buôn bán nông sản sẽ là những giải pháp cho cuộc khủng thiếu lương thực. Theo ông Yumkella, vào năm 2030 hơn một nửa dân số thế giới sẽ sống tại các khu vực thành thị và điều này đòi hỏi phải có các biện pháp tinh vi để đem lương thực đến cho họ.
 
 

Nguồn: Internet