Ngày 19/11, trước những lo ngại về viễn cảnh lợi nhuận không mấy sáng sủa của nhiều tập đoàn lớn trong khu vực không cũng như bức tranh kinh tế khu vực mờ mịt, nhiều chỉ số chứng khoán lại có thêm ngày thứ ba giảm điểm trong tuần.
Bất ngờ đã đến khi thị trường chứng khoán Trung Quốc có phiên tăng điểm mạnh trước sự đi xuống của các thị trường khác trong khu vực. Điểm đáng chú ý là thị trường Hồng Kông và Singapore tưởng chừng như sẽ lên điểm, nhưng cuối cùng, sắc đỏ vẫn hiện diện trên bảng điện tử.
Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Tư tiếp tục giảm điểm và xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần qua. Đồng Yên tăng giá khiến cổ phiếu nhiều hãng xuất khẩu lớn giảm điểm với biên độ lớn.
Bên cạnh đó, những lo ngại liên quan đến tương lai không sáng sủa của ngành công nghiệp ôtô Mỹ đã tác động mạnh đến nhiều hãng sản xuất ôtô ở Nhật, qua đó kéo giá cổ phiếu của một số hãng trong khối này sụt giảm mạnh.
Trong phiên này, cổ phiếu của Sony hạ 2,7%, cổ phiếu Tokyo Electron mất 5,5%. Riêng cổ phiếu khối ngân hàng sụt giảm mạnh hơn cả khi: cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group trượt 7,9%, cổ phiếu Mizuho Financial Group giảm 7,5%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group mất 6,4%...
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 55,19 điểm, tương đương -0,66%, đóng cửa ở mức 8.273,22. Khối lượng giao dịch đạt 1,95 tỷ cổ phiếu, thị trường có 869 mã giảm điểm và 736 mã tăng điểm.
Chứng khoán Trung Quốc phiên này đã phục hồi trở lại nhờ sức tăng mạnh của cổ phiếu nhiều hãng lọc dầu, do Trung Quốc sắp công bố chính sách thuế đối với nhiên liệu – điều đó có thể đẩy giá xăng lên cao hơn. Trước thông tin này, cổ phiếu của Sinopec tăng 8,67%, cổ phiếu PetroChina lên 5%.
Chỉ số Shanghai Composite trong ngày giao dịch 19/11 đã tăng 115,04 điểm, tương đương 6,05, chốt ở mức 2.017,47.
Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiếp tục giảm 0,49%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 1,87%. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 1,66%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 0,77%.

Nguồn: Internet