Sau phiên lên điểm thành công trước đó, ngày thứ Sáu 13 chứng khoán Mỹ trở lại đen tối khi chìm trong sắc đỏ. Nhà đầu tư lại lo lắng về các ngân hàng trước thông tin chính phủ công bố vào tuần tới sẽ ổn định ngành bất động sản bằng việc giúp người dân không bị tịch thu nhà.
Những hi vọng ban đầu về việc giải cứu ngành bất động sản bị dập tắt ngay khi Nhà Trắng cảnh báo người dân không nên quá kỳ vọng và có những nghi ngờ vô căn cứ về biện pháp mà các ngân hàng áp dụng trong việc xóa các tài sản xấu.
Trong phiên giao dịch cuối tuần này, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày thị trường chạm đáy 20/11/2008, đánh dấu tuần giảm điểm liên tiếp của các cổ phiếu khối tài chính khi kế hoạch giải cứu các ngân hàng chưa thể làm vơi đi nỗi bất an đã ăn sâu trong tâm thức của nhà đầu tư.
Cổ phiếu của JPMorgan (JPM.N) gây thất vọng với mức giảm 3.3% giá trị chỉ còn 25.30 USD/cp và cũng là một trong những cổ phiếu giảm điểm nhiều nhất trên sàn Dow. Chỉ số KBW Bank .BKX mất tới 5.3% giá trị để chốt mức giảm toàn tuần 14%.
Peter Jankovskis, Giám đốc nghiên cứu của OakBrook Investments LLC ở Lisle bang Illinois cho biết: “Các ngân hàng vẫn còn là nỗi lo lắng cộng với kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài hơn thường lệ nên một số nhà đầu tư có thể sẽ quyết định tạm rời khỏi thị trường trong vài ngày”.
Thị trường tạm ngừng giao dịch trong ngày lễ Tổng thống vào thứ Hai.
Chỉ số Dow Jones ấn định phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp khi mất đi 82.35 điểm, hay 1.04% xuống mức 7,850.41 điểm. Trong khi đó, số điểm mất đi dù ít ỏi nhưng cũng đủ làm hai chỉ số Standard & Poor's 500 và Nasdaq Composite không thể lập lại điệp khúc vui như hai phiên tăng điểm trước đó. Chỉ số Standard & Poor's 500.SPX giảm với biên độ 1%, tương đương 8.35 xuống còn 826.84 điểm; còn Nasdaq Composite .IXIC giảm 0.48%, ứng với rớt 7.35 điểm xuống 1,534.36 điểm lúc đóng cửa tuần.
Chỉ có 3/30 chứng khoán Dow Jones kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh.
Nếu xét cả tuần thì chỉ số S&P 500 giảm 4.8%, được xem là tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng Mười Một năm ngoái.
Tập đoàn ngân hàng Britain's Lloyds như rót thêm dầu vào lửa khi công bố đơn vị HBOS của tập đoàn có mức lỗ trước thuế lên đến 8.5 tỷ bảng Anh (tương đương 12.3 tỷ USD) trong năm 2008. Kết quả này đẩy mức nợ của tập đoàn lên đến 7 tỷ bảng và góp phần gia tăng quan ngại về việc các ngân hàng quốc hữu hóa một phần sẽ phải cần đến sự cứu viện từ Nhà nước.
Điểm sáng của phiên thuộc về các nhà chế tạo lớn dựa vào kỳ vọng hưởng lợi từ số tiền 787 tỷ USD trong gói kích cầu dự kiến sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối ngày thứ Sáu.
Nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing (BA.N) có phiên giao dịch phấn khởi khi tăng 1.6% để đóng cửa ở 40.48 USD/cp. Bên cạnh đó nhà chế tạo thang máy và máy điều hòa hàng đầu thế giới United Technologies (UTX.N) cũng có thêm 0.4% giá trị để leo lên mức giá 47.09 USD/cp.
Không nằm ngoài xu thế chung của thị trường, các cổ phiếu tiêu dùng có kết quả giao dịch không mấy thuận lợi trước những hoài nghi về khả năng gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng nhờ vào việc cắt giảm thuế. Vào chiều thứ Sáu, Hạ viện thông qua gói kích thích này vào lúc 5:30 chiều (tức 5:30 sáng giờ Việt Nam). Thượng viện sẽ tiếp tục thông qua lần nữa trước khi trình lên Tổng thống Obama vào ngày Tổng thống.
Theo bản khảo sát được công bố hôm thứ Sáu, chỉ số lòng tin tiêu dùng ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng khi lòng tin ngày càng bị mai một dần trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, một điều đã được nhìn thấy trước từ cách đây 5 năm.
Cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart Stores (WMT.N) giảm điểm nhiều nhất trong các chứng khoán Dow Jones khi mất đi 3.3% và rơi về mức 46.53 USD/cp. Cổ phiếu Home Depot (HD.N) cũng trượt 3.5% để dừng ở 21.22 USD/cp. Chỉ số S&P bán lẻ .RLX ấn định phiên với mức giảm 2.1%.
Sau khi có phiên tăng điểm vào hôm qua, cổ phiếu Research in Motion (RIM.TO)(RIMM.O) lại quay đầu giảm điểm sau khi bị Credit Suisse liệt vào danh sách các cổ phiếu “Trung bình” đến “Yếu” do dự báo giá bán bình quân điện thoại BlackBerry sẽ giảm.
Thống kê giao dịch cả ngày, sàn NYSE chứng kiến một phiên giao dịch kém sôi động với tổng khối lượng giao dịch sang tay đạt 1.24 tỷ đơn vị, thấp hơn mức 1.49 tỷ đơn vị của năm ngoái. Con số này trên sàn Nasdaq là 2 tỷ đơn vị, cũng thấp hơn mức năm ngoái là 2.28 tỷ đơn vị.
Mặc dù chỉ chênh nhau một cổ phiếu nhưng cũng đủ để số cổ phiếu giảm điểm chiếm ưu thế trên cả 2 sàn. Cụ thể, trên NYSE cứ 2 cổ phiếu tăng điểm thì có 3 cổ phiếu giảm điểm và trên sàn còn lại, tỉ lệ  này là 4:5.

Nguồn: Internet