Ngày 4/12, nhiều tin xấu được công bố khiến chứng khoán Phố Wall đã giảm trên 2,5%.
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke đã kêu gọi Chính phủ nước này đưa ra các biện pháp cụ thể để giúp đỡ những người mua nhà nhưng không có khả năng trả nợ và đang đứng trước nguy cơ bị tịch biên nhà để thế nợ.
Cùng quan điểm với ông Ben Bernanke, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Henry Paulson cũng đã có những động thái tương tự để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua chương trình giải cứu thị trường địa ốc.
Như vậy, sau khi bơm hàng nghìn tỷ USD vào Phố Wall thì nay ông Ben Bernanke và ông Henry Paulson lại đang sẵn sàng cho kế hoạch giải cứu thị trường địa ốc và giúp đỡ người dân có nhà nhưng đang đứng trước nguy cơ bị tịch biên.
Chỉ số S&P 500 mất gần 3%
Ngày 4/12, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số đơn đặt hàng tại các nhà máy ở nước này đã giảm 5,1% trong tháng 10/2008 - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2000. Trong đó, số đơn đặt hàng thuộc nhóm hàng lâu bền (durable goods) đã giảm 6,9% - riêng mặt hàng ôtô sụt giảm 37%, còn nhóm hàng hóa không thuộc nhóm hàng lâu bền như lương thực - thực phẩm, quần áo, các sản phẩm từ dầu thô đã giảm 3,4%.
Cũng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 30/11 đã giảm xuống 509.000 từ 530.000 trong tuần trước đó, thấp hơn 28.000 người so với dự báo của giới phân tích.
Trong một thông báo mới nhất, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu ở Mỹ - AT&T vừa cho biết sẽ cắt giảm 12.000 việc làm, tương đương với 4% lực lượng lao động của hãng trong quý 4/2008 và năm 2009. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm chi phí trước bối cảnh kinh tế Mỹ suy giảm và doanh thu trong quý 3/2008 của hãng đã giảm 8%.
Trước nhiều thông tin vĩ mô xấu được công bố trong ngày, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã cùng giảm điểm với biên độ từ 2,5 đến 3,1%.
Giá dầu tiếp tục giảm khiến cổ phiếu khối năng lượng lại đi xuống, hai cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số Dow Jones như Chevron (NYSE- CVX) và Exxon Mobil (NYSE-XOM) đều giảm khoảng 4%.

Biểu đồ so sánh giá cổ phiếu XOM, CVX với chỉ số Dow Jones và S&P 500 trong 3 tháng qua - Nguồn: G.Finance.
Biểu đồ trên cho ta thấy, trong 3 tháng gần đây, mặc dù giá dầu đã giảm mạnh và đang ở dưới ngưỡng 45 USD/thùng nhưng cổ phiếu XOM vẫn đứng vững và cổ phiếu CVX chỉ giảm 11% trong khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 mất từ 25% - 31,7%.
Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm khoản vay trị giá 34 tỷ USD, các CEO của ba nhà sản xuất ôtô hàng đầu ở Mỹ - General Motors, Ford Motor, Chrysler, đã có phiên điều trần kéo dài gần 6 giờ trước các nhà làm luật ở Mỹ.
Đáng chú ý là các CEO của General Motors và Chrysler đều đưa ra quan điểm sẽ tái tổ chức các cuộc đàm phán để sáp nhập nếu điều kiện thuận lợi hay nói cách khác là nếu vay được tiền để tồn tại mới có thể tính tới sáp nhập. Cổ phiếu của General Motors phiên này giảm tới 16,2%, cổ phiếu của Ford mất 6,67%.
Khối công nghệ cũng trong đà đi xuống với sự suy giảm của nhiều blue-chip, trong đó cổ phiếu của AT&T hạ 3,1%, cổ phiếu của Microsoft mất 3,82%, cổ phiếu của IBM trượt 4%, Intel giảm 6,5%...
Điểm qua kết giao dịch ngày 4/12: chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 215,45 điểm, tương đương -2,51%, đóng cửa ở mức 8.376,24.
Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 46,82 điểm, tương đương -3,14%, chốt ở mức 1.445,56.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 trượt 25,52 điểm, tương đương -2,93%, đóng cửa ở mức 845,22.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,47 tỷ cổ phiếu. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,08 tỷ cổ phiếu. Trên hai sàn, thị trường cứ có 3 mã mất điểm thì có 1 mã lên điểm.

Nguồn: Internet