Hôm thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 10/1/2009 đã tăng vọt lên 524.000 từ 467.000 trong tuần trước đó – cao hơn mức dự báo 500.000 người của giới phân tích.
Bộ này cũng cho biết thêm, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) đã giảm 1,9% trong tháng 12/2008 - tháng giảm thứ năm liên tiếp trong năm qua. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2007, PPI ở Mỹ đã giảm 0,9% - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2006.
Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục sụt giảm
Ngày 15/1, Ngân hàng JPMorgan Chase đã công bố doanh thu trong quý 4/2008 của hãng đạt 17,2 tỷ USD; lợi nhuận sau thuế đạt 702 triệu USD, tương đương 7 cent/cổ phiếu – giảm 76% so với mức lợi nhuận ròng 3 tỷ USD (86 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm 2007.
Được biết, cổ phiếu của JPMorgan Chase đã giảm 27,8% trong năm 2008 và hiện đã giảm 22,8% so với đầu năm 2009.
Trong một diễn biến quan trọng liên quan đến Bank of America, rất có thể Chính phủ Mỹ đang cân nhắc bơm thêm hàng tỷ USD vào Bank of America từ gói giải cứu hệ thống tài chính trị giá 700 tỷ USD.
Bank of America hiện đang cần được hỗ trợ để bơm tiền bù lỗ cho hoạt động kinh doanh của Merrill Lynch- ngân hàng mà họ đã chính thức thâu tóm.
Trước đó, Bank of America đã nhận gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD từ “Chương trình giải trừ các tài sản xấu – TARP” của Chính phủ Mỹ, trong đó dành 10 tỷ USD để bơm vào Merrill Lynch.
Trong khi đó, viễn cảnh ngày một tồi tệ lại tiếp tục bao phủ lên Citigroup khi ngân hàng này được dự báo sẽ tiếp tục thua lỗ trong quý 4/2008. Cổ phiếu của Citigroup liên tục giảm mạnh trong nhiều ngày qua và đang dần xa ngưỡng 5 USD/cổ phiếu.
Liên quan đến Tập đoàn Microsoft, tờ “Wall Street Journal” vừa loan báo thông tin về khả năng Microsoft – tập đoàn hiện có 91.000 lao động, sẽ cắt giảm 15.000 việc làm ngay khi hãng công bố kết quả kinh doanh vào tuần tới. Ngay sau đó, người phát ngôn của Microsoft đã bác bỏ thông tin này.
Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại sau khi giảm mạnh phiên trước đó. Sự phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu khối công nghệ, bán lẻ, hàng không và năng lượng đã giúp cả ba chỉ số lên điểm – bất chấp sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính.
Đáng chú ý là các chỉ số chứng khoán Mỹ trong ngày giao dịch có lúc đã giảm xuống 2-3% so với phiên trước đó do tác động từ làn sóng bán cổ phiếu khối ngân hàng.
Tuy nhiên, từ khoảng 2 giờ chiều (giờ địa phương), cả ba chỉ số đã bắt đầu phục hồi, dù biên độ tăng điểm của chỉ số S&P 500 và Dow Jones là không đáng kể.
Một điểm đáng chú ý khác là chỉ số S&P và Dow Jones luôn bám sát nhau về biên độ tăng giảm, độ lệch theo tỷ lệ % kể từ lúc 2 giờ chiều là rất thấp.
Hy vọng các hãng công nghệ sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế trong thời gian tới nên giới đầu tư đã tăng mạnh mua cổ phiếu khối này.
Kết thúc phiên, cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại BlackBerry - Research in Motion tăng 9,18%, cổ phiếu Intel lên 1,16%, cổ phiếu Motorola tiến thêm 7,79%, cổ phiếu Microsoft tăng 0,79%...
Trong khi đó, cổ phiếu khối bán lẻ, hàng không lại lên điểm nhờ giá dầu đang trong xu hướng giảm. Chỉ số S&P Bán lẻ tăng 3,9%, chỉ số S&P Hàng không tiến thêm 4,6%.
Đà lên điểm của thị trường bị níu kéo bởi sự sụt giảm 5,1% của cổ phiếu khối tài chính, trong đó cổ phiếu Citigroup (NYSE-C) hạ 15,45% xuống 3,83 USD/cổ phiếu; cổ phiếu Bank of America (NYSE-BAC)mất 18,43% xuống 8,23 USD/cổ phiếu; cổ phiếu JPMorgan hạ 6,06% xuống 24,34 USD/cổ phiếu...

Biểu đồ diễn biến giá cổ phiếu C, BAC và ba chỉ số chứng khoán Mỹ trong ngày 16/1/2009 - Nguồn: G.Finance.

Kết thúc ngày giao dịch: chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 12,35 điểm, tương đương 0,15 %, đóng cửa ở mức 8.212,49.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 22,2 điểm, tương đương 1,49%, chốt ở mức 1.511,84.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 1,12 điểm, tương đương 0,12%, đóng cửa ở mức 43,74.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,65 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.670 cổ phiếu lên điểm và có 1.420  cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,5 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.556 cổ phiếu tăng điểm và có 1.151 cổ phiếu giảm điểm.

* Sau giờ giao dịch, Tập đoàn Intel công bố doanh thu của hãng trong quý 4/2008 đạt 8,2 tỷ USD – giảm 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2007; lợi nhuận sau thuế đạt 234 triệu USD, tương đương 4 cent/cổ phiếu – thấp hơn mức lợi nhuận 2,27 tỷ USD (38 cent/cổ phiếu) của cùng kỳ năm 2007.

Nguồn: Internet