Cần phải khẳng định: Nhu cầu cũng như động lực thúc đẩy phát triển thị trường BĐS là có thực. Thế nhưng, nhu cầu và động lực này lại chưa thắng nổi tình hình suy thoái kinh tế; rào cản từ chính sách tiền tệ; đặc biệt là sự kìm hãm từ việc NĐT bị tác động tâm lý, hoang mang và xa rời BĐS.

Theo đánh giá của các chuyên gia Bộ Tài chính thì BĐT đã bị sụt giảm mạnh cả về giá cả và lượng giao dịch. Giá nhà chung cư giảm từ 20% - 30%, giá nhà riêng và biệt thự giảm 30%.

Tuy nhiên còn rất nhiều tác động đến thị trường này. Đáng quan tâm là tác động từ chính sách tiền tệ. Việc mở cửa cho vay đã khiến giới đầu cơ nhập cuộc nhanh chóng. Nhưng ngay sau đó, khi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhà đầu cơ xả hàng đã khiến lượng cung tăng đột biến, giá giảm mạnh.

Chưa hết, việc cơ cấu vốn và đầu tư từ NĐT nước ngoài cũng khiến thị trường khủng hoảng. Thêm nữa, cơ cấu BĐS cũng bất hợp lý khi mà phân khúc khách hàng nhu cầu thấp và trung chưa được chú trọng. Vì thế, lượng hàng cao cấp thì thừa, nhưng lượng hàng thấp và trung (chiếm 95% nhu cầu) lại thiếu nghiêm trọng.

Tất cả những lý do này, cộng với việc xu hướng suy thoái kinh tế còn kéo dài đã khiến các chuyên gia nhận định thị trường BĐS: Băng còn lâu mới tan.

Tuy vậy theo các chuyên gia, tình hình hiện nay chính là lúc để cơ cấu và định hướng lại thị trường cũng như hoạch định chính sách phù hợp. Bộ Tài chính khuyến nghị các chính sách gồm: Thúc đẩy BĐS "sạch" cho thị trường qua việc xác lập, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng để đảm bảo cho giao dịch chính ngạch. Cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh bỏ hoang, lãng phí và sai mục đích. Cải thiện đầu tư và đầu tư phục vụ dân sinh. Khống chế đầu cơ bằng chế tài và công cụ thuế, tài chính.

Năm 2008 được đánh giá là năm biến động lớn của thị trường vốn. Trong việc "thất thu" huy động vốn, kênh huy động vốn qua kho bạc chỉ đạt được có 42%, qua ngân hàng phát triển đạt 82% kế hoạch. Đặc biệt dù chính sách mở cho DN phát triển TP đã được thực hiện, song trong năm 2008 chưa hề có một tập đoàn, TCty, DN nào tổ chức phát hành TP. Về giao dịch thứ cấp, giá TP cũng liên tục giảm.

Đối với TTCK, dù khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện; song trong điều kiện TTCK giảm sút, tình trạng CTCK và nhân viên giao dịch "phá ngạch" giao dịch lũng đoạn đã xảy ra phổ biến. Đã có tới trên dưới 100 lượt DN và nhân viên bị phạt. Bên cạnh đó, việc TTCK giảm mạnh đã khiến cho lộ trình CPH chậm. Năm 2008 mới chỉ có 27 đợt IPO, 5 quỹ mới, 13 Cty quản lý quỹ được mở. Tuy nhiên quy mô vốn và giá trị vốn hóa rất thấp.

Trong chiến lược phát triển đến 2010, Bộ Tài chính đề xuất phát triển thị trường theo hướng mở. Trong đó tiếp tục mở rộng TP chính phủ, TP địa phương và TP DN nhưng phải đảm bảo chuẩn mực. Đồng thời có chính sách tiếp cận thị trường quốc tế.

Về TTCK, cùng với việc cho ra đời nghị định về phát hành riêng lẻ thì sẽ nâng cao điều kiện lập CTCK để đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, sẽ linh hoạt đáp ứng nguồn cung hàng hóa, trong đó có việc đưa vào giao dịch quyền mua CP, TP chuyển đổi, chứng chỉ quỹ... Ngoài ra, sẽ hoàn tất việc mở tài khoản riêng cho NĐT tại các NH thương mại; thực hiện thị trường TP chuyên biệt và OTC.

(lao động)

Nguồn: Vinanet