(VINANET) - Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo mậu dịch gạo toàn cầu năm 2013 sẽ giảm sau khi điều chỉnh con số về mậu dịch năm 2012 và triển vọng sản lượng toàn cầu năm nay sẽ tăng.

So với dự báo tháng 11-2012, dự báo về mậu dịch gạo toàn cầu năm 2013 bị giảm đi 570.000 tấn.

Mậu dịch gạo thế giới năm 2013 nay được dự báo vào khoảng 37 triệu tấn, giảm khoảng 2,2% so với khoảng 37,8 triệu tấn năm 2012. FAO cho biết mậu dịch gạo thế giới năm qua đạt kỷ lục cao, tăng khoảng 4% so với năm trước đó, chủ yếu bởi nhu cầu mạnh, nhất là từ Trung Quốc, châu Phi và Trung Đông. Các nước nhập khẩu gạo ở những khu vực này năm qua tăng cường nhập khẩu để bù đắp cho nh cầu gia tăng, nhưng đồng thời cũng vì tranh thủ lúc giá quốc tế giảm thấp.

Tuy nhiên, mậu dịch gạo toàn cầu chắc chắn sẽ giảm trong năm 2013 bởi nhu cầu nhập khẩu ở châu Á và châu Phi giảm sút. Điều này phản ánh sản lượng dự kiến bội thu và tồn trữ cũng gia tăng, “với một số nước đã tích cực mua dự trữ trong năm 2012”, báo cáo của FAO viết.

Về năm 2013, FAO đã điều chỉnh giảm mức dự báo về nhập khẩu của Indonesia (từ 1,5 triệu tấn xuống 1,1 triệu tấn), Nigeria (từ 2,6 triệu tấn xuống 2,5 triệu tấn), Senegal (từ 1 triệu tấn xuống 800.000 tấn) và Iran (từ 1,5 triệu tấn xuống 1,3 triệu tấn). Nhưng nhập khẩu vào một số nước dự báo sẽ tăng so với các số liệu đưa ra trước đây, trong đó có Bangladesh (tăng từ 500.000 tấn lên 600.000 tấn), Trung Quốc (từ 2,3 triệu tấn lên 2,6 triệu tấn), Philippine (từ 800.000 tấn lên 1 triệu tấn) và Nam Phi (từ 1 triệu tấn lên 1,2 triệu tấn). FAO cho biết nhập khẩu vào những quốc gia này tăng sẽ không đủ bù đắp cho giảm vào những nước châu Á và châu Phi khác trong năm 2013.

FAO đã điều chỉnh tăng mức dự báo về sản lượng lúa toàn cầu năm 2013 thêm khoảng 1,5 triệu tấn lên 730 triệu tấn (487 triệu tấn quy gạo). Sản lượng gạo dự báo sẽ tăng ở Cambodia, Indonesia, Thái lan, Việt Nam, Guinea, Mali và Senegal. Trái lại, sản lượng sẽ giảm ở Bangladesh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nepal, Nigeria, Sierra Leone, Nga, Tanzania và Venezuela.

(T.H – Oryza)