Người tiêu dùng ở Inđônêxia xuống đường phản đối vì giá đậu nành lên quá cao. Malaixia không cho phép mang đường, bột mì và dầu ăn ra khỏi biên giới quốc gia. Bang nông nghiệp hàng đầu của Mỹ, Bắc Đacôta đang tính tới việc nhập khẩu lúa mỳ từ Canađa. Thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá lương thực lớn nhất kể từ những năm 1970, khi Liên Xô cũ phải mua hàng triệu tấn ngũ cốc từ Mỹ, làm cho giá lương thực bùng nổ trên khắp thế giới thời điểm đó.
Nhu cầu tăng nhanh, giá dầu lên cao chưa từng thấy và quá trình mở rộng sản xuất nhiên liệu sinh học đã làm cho giá lương thực lên cao nhất trong lịch sử. Tác động lớn nhất là tại các nước đang phát triển. Liên Hợp Quốc cho biết giá lương thực tăng cao sẽ làm cho mục tiêu xoá đói nghèo trên toàn thế giới khó thực hiện hơn. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân gây bất ổn chính trị tại một số nước trong đó có Ápganixtan, khi mà tại đó giá bột lúa mì tăng 60% trong năm qua, thậm chí là 80% tại một số khu vực.
Nhân tố đứng sau sự tăng giá lương thực chóng mặt là thu nhập của người dân ở các nước đang phát triển tăng nhanh, và họ muốn có cuộc sống tốt hơn. Bước đầu tiên của mức sống cao hơn chính là chế độ ăn uống tốt hơn. Nhà triết học E. Ăng-ghen của Đức cho rằng khi thu nhập tăng, con người thường chi một tỉ lệ ít hơn trong thu nhập của họ cho lương thực, tuy nhiên họ chuyển từ mua thực phẩm rẻ sang thực phẩm đắt tiền hơn. Ngũ cốc chiếm khoảng 60% trong chế độ ăn hàng ngày ở các nước đang phát triển ở châu Á, Bắc Phi và các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Những người dân ở các nước đang phát triển cũng ăn nhiều thịt hơn, điều này cũng làm tăng nhu cầu ngũ cốc để dùng cho chăn nuôi. Nhu cầu tăng nhanh cũng làm giảm lượng lương thực dự trữ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết lượng lương thực dự trữ của Mỹ tính theo đầu người đã xuống mức thấp nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ II. Trong khi đó, đất đai dành cho trồng cây lương thực trên toàn thế giới cũng không tăng, chưa kể hàng năm còn mất đi vì quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và cả hiện tượng xa mạc hoá, hoang mạc hoá.
Giá lương thực bị đội lên còn do vòng xoáy của giá nhiên liệu. Cây trồng cần phân bón, để sản xuất phân bón lại cần có dầu thô, và để đưa lương thực tới chợ và siêu thị cũng cần có xăng và dầu, trong khi giá những loại nhiên liệu này cũng tăng 70% trong 12 tháng qua.
Để giảm sự phụ thuộc vào dầu, nhiều nước đang tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học, như ethanol và dầu điêden sinh học, những loại nhiên liệu chiết xuất từ cây lương thực và như vậy, thay vì tới bàn ăn, nhiều loại lương thực lại tới nhà máy tinh chế nhiên liệu sinh học. Những người đang vật lộn với miếng cơm hàng ngày chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ giá cả lương thực tăng cao. Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp quốc (WFP) cho biết họ cần thêm 520 triệu USD để cung cấp lượng lương thực ngang bằng năm 2007 cho các khu vực thiếu đói trên thế giới. Cũng vì lương thực mà lạm phát tại Trung Quốc lên cao nhất trong hơn 10 năm qua, còn giá cả tại Xingapo cũng tăng nhanh nhất trong vòng 30 năm nay.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Kha-ra, thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho rằng giá lương thực tăng nhanh không chỉ mang đến toàn điều xấu. Giá lương thực tăng nhanh là điều tốt lành đối với nông dân các nước đang phát triển và sẽ giảm bớt dòng người đổ vào thành phố. Nhưng còn tại Mỹ, dù sản xuất ngũ cốc đạt sản lượng kỷ lục, nhưng sẽ có tới 1/3 lượng ngũ cốc được dành để sản xuất ethanol. Ở Mỹ vẫn có nhiều cuộc vận động để bảo vệ ethanol vì ngành này tạo ra 237.000 việc làm trong năm 2007. Thế giới đang ở trong vòng xoáy luẩn quẩn chưa có lối ra.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam