9 tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt khoảng 28,5 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn FDI. Thu chi ngân sách từ thị trường BĐS chiếm tỷ trọng lớn, có địa phương chiếm đến trên 50% tổng thu ngân sách. Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Hiện cả nước đang triển khai trên 1.500 dự án nhà ở và khu đô thị mới; hàng năm xây dựng trên 37 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhiều khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường sống văn minh đã hình thành như dự án Phú Mỹ Hưng, Ciputra… Nhiều tổng công ty lớn đủ sức thi công các công trình mang tầm cỡ thế giới, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cao tầng hiện đại lên đến 30, 40 và trên 60 tầng…

Tuy nhiên, trung bình mỗi năm Việt Nam cần phát triển thêm 35 triệu m2 nhà để phấn đấu đạt chỉ tiêu 20m2 nhà ở/người tại đô thị vào năm 2020. Ngoài ra, các chính sách cởi mở của Nhà nước như người dân được mua nhà ở tại các đô thị mà không cần hộ khẩu, dự kiến mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà và cho phép thực hiện thí điểm người nước ngoài được mua nhà ở tại VN… cũng làm tăng nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn.

Xuất phát từ thực tế này, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Kế hoạch - đầu tư... bàn về thực trạng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản (BĐS); cải cách hành chính và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó tập trung việc hoàn thiện đề án phát triển thị trường BĐS Việt Nam; đề án tạo quĩ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư. Các đề án được lập có sự tham khảo một số nước trên thế giới và đề xuất định hướng mô hình phù hợp tại Việt Nam, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá thị trường.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam