Indonesia: Giá cá ngừ tăng do lệnh cấm khai thác IUU

Ngành cá ngừ Indonesia đang được lợi sau những nỗ lực gần đây của chính phủ trong việc xử lý nghiêm các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Giá cá ngừ tăng 12,8% do khan hiếm nguồn cung cá ngừ toàn cầu và nhu cầu cá ngừ Indonesia tăng.

Nguồn cung cá ngừ Indonesia giảm do nước này kiên quyết xử lý khai thác IUU, trì hoãn gia hạn giấy phép khai thác cho các tàu được đóng tại nước ngoài và lệnh cấm chuyển tàu trên biển (các tàu nhỏ chuyển cá sang các tàu nước ngoài lớn hơn).

Nguồn cung từ các nhà sản xuất cá ngừ chính như Philippines và Thái Lan giảm nên các nhà NK từ Mỹ, EU và Nhật Bản đẩy mạnh NK cá ngừ Indonesia, theo ông Dwi Agus, Tổng thư ký Hiệp hội câu vàng cá ngừ Indonesia (ATLI).

Cá ngừ tươi XK đạt mức giá cao 5-7 USD/kg trong khi cá ngừ đông lạnh được bán với giá 3-4 USD/kg. Mức tăng giá 12,8% một phần cũng là do tỷ giá đồng USD cao.

Mặc dù khối lượng khai thác giảm nhưng được bù đắp bởi giá cá ngừ tăng. Khối lượng khai thác giảm 35% từ khi lệnh cấm chuyển tàu có hiệu lực từ cuối năm ngoái khiến khối lượng XK trong tháng 1/2015 giảm 9,8% so với tháng trước đó.

Dịch vụ hàng không đẩy mạnh XK cá ngừ Ấn Độ

XK cá ngừ sang Nhật Bản, Mỹ và EU từ thành phố cảng Visakhapatnam (thuộc Đông Nam Ấn Độ) sẽ được cải thiện nhờ dịch vụ hàng không dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 2 hoặc 3 tháng tới.

Silk Airlines, có đường bay tới Singapore, đã thống nhất cung cấp dịch vụ. Malindo Air cũng đồng ý khai thác đường bay.

Nếu cá ngừ tươi được vận chuyển tới các thị trường quốc tế thì giá trị của nó sẽ tăng khoảng 3 tới 4 lần vì Visakhapatnam không có đủ điều kiện vật chất để chế biến cá ngừ.

Mặc dù sản lượng khai thác cá ngừ giảm mạnh sau bão, dự kiến ít nhất mùa tới, ngành cá ngừ địa phương sẽ được lợi từ việc giới thiệu dịch vụ hàng không.

Visakhapatnam có tiềm năng XK 1.500 tới 2.000 tấn cá ngừ vây vàng nếu dịch vụ hàng không đi vào hoạt động trong 2-3 tháng nữa.

Mỹ: Xuất khẩu cua giảm 70% trong tháng 1/2015

Tháng 1/2015, XK thủy sản của Mỹ đạt 68.090 tấn, trị giá 241,7 triệu USD, lần lượt giảm 18,2% và 10% so với tháng 1/2014.

Trong đó, cua, cá hồi, cá minh thái Alask và tôm hùm là những sản phẩm giảm mạnh nhất.

XK cua giảm mạnh với khối lượng giảm 70% từ 5.765 tấn xuống 1.725 tấn.

Giá trị XK mặt hàng này giảm từ 26,8 triệu USD (29,4 triệu EUR) xuống 20,5 triệu USD (19,1 triệu EUR).

Hàn Quốc giúp phát triển các trang trại nuôi cá ở Triều Tiên

Theo Bộ Đại Dương và Thủy sản, Viện Hàng hải Hàn Quốc sẽ sớm ký một thỏa thuận với FAO để triển khai dự án nghiên cứu chung về ngành nuôi cá ở Triều Tiên. Hai bên sẽ nghiên cứu các điều kiện khí hậu ở Triều Tiên và tìm kiếm những loài giống tốt nhất cho các trang trại nuôi cá.

Dựa vào kết quả của nghiên cứu này, Hàn Quốc và FAO đề xuất một quỹ trị giá 30 tỷ won (26,5 triệu USD) để giúp xây dựng các trang trại nuôi cá mới ở Triều Tiên.

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hợp tác với FAO vì “sự tăng trưởng xanh”

Sáu quốc gia ở châu Á sẽ hợp tác với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) để thúc đẩy "tăng trưởng xanh" - một sáng kiến khu vực nhằm tăng cường phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản theo cách sinh thái và bền vững.

Sáu nước gồm có Bănglađét, Inđônêxia, Philippin, Sri Lanka, Timor-Leste và Việt Nam, đang tiên phong triển khai các kế hoạch thí điểm nâng cấp nuôi trồng thủy sản nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của dân số toàn cầu đang gia tăng - dự kiến ​​sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050.

Châu Á - Thái Bình Dương là nguồn cung nuôi trồng thủy sản quan trọng nhất của thế giới. Các nước trong khu vực đóng góp khoảng 90% sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới. Nuôi trồng thủy sản cũng góp phần quan trọng đối với chế độ ăn của con người và sản xuất lương thực trong khu vực, chiếm khoảng 60% lượng thủy sản tiêu thụ của con người và 20% thức ăn gia súc.

Do tốc độ tăng trưởng dân số và kinh tế dự báo có thể còn tăng trong toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhu cầu thủy sản sẽ tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới.

Người ta ước tính cần có thêm 30 triệu tấn thủy sản để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong khu vực cũng như các thị trường toàn cầu.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep