Tuy nhiên, Đài Loan không phải là thị trường dễ xâm nhập do vùng lãnh thổ này chủ trương duy trì các tập quán thị trường trong nước và buôn bán với bạn hàng truyền thống. Năm 1999, Đài Loan nhập khẩu 11,9 triệu USD rau, quả từ Việt Nam, chiếm 11,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả của nước ta.

Chính sách thuế và phi thuế: Rau, quả tươi và chế biến của Việt Nam nhập khẩu vào Đài Loan được ưu tiên thuế suất, hưởng thuế nhập khẩu theo cột II khoảng từ 20 - 40% (thấp hơn mức thuế ở cột I từ 0 - 50%).

Về chính sách phi thuế, Đài Loan áp dụng chủ yếu là hạn ngạch và các loại giấy phép. Đài Loan thực hiện chính sách phân biệt trong nhập khẩu, chỉ nhập khẩu từ một số nước nhất định. Ví dụ như táo và cam chỉ nhập từ Hoa Kỳ và New Zealand, dừa nhập từ Malaysia và Philippines.

Việt Nam chưa được ưu tiên trong việc chỉ định thị trường nhập khẩu nên nhiều mặt hàng ta không xuất khẩu được sang Đài Loan. Điểm khó trong chính sách phi thuế của Đài Loan là các biện pháp hạn chế chỉ được quy định một cách chung chung mà không chi tiết hoá cho từng mặt hàng cụ thể như nhiều nước khác dẫn đến sự không minh bạch khi áp dụng.

Triển vọng về thị trường: Dự kiến trong thời gian tới, Đài Loan vẫn là thị trường chính; các chủng loại hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là: Rau: cải bắp, dưa chuột, khoai tây, đậu quả các loại, cà rốt, măng ta, cà chua, nấm; Quả: dứa, chuối, dưa hấu, thanh long, xoài, vải, nhãn; Gia vị: hạt tiêu, gừng, ớt, riềng, nghệ, tỏi; Hoa và cây cảnh.

Các biện pháp tiếp cận thị trường:

- Liên doanh với các đối tác Đài Loan để sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ rau, quả tại Đài Loan.

- Cung cấp thông tin về thị trường, các doanh nghiệp nhập khẩu rau, quả của Đài Loan để các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn đối tác thích hợp.

- Tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế ở Đài Loan để nghiên cứu nhu cầu thị trường, tiếp thị, xúc tiến thương mại và tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết.

 

Nguồn: Internet