Lúa gạo Campuchia không về Việt Nam, khiến nguồn cung gạo Việt Nam vốn thường xuyên được bổ sung lúa gạo từ Campuchia qua đường tiểu ngạch bị thiếu hụt đáng kể.
Theo một nguồn tin từ bộ Công thương, hàng năm, một lượng lúa nhất định từ Campuchia về qua biên giới Việt Nam chủ yếu qua hình thức trao đổi hàng hoá cư dân biên giới tại một số tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang với số lượng từ vài trăm đến hàng ngàn tấn/ngày. Đồng thời một lượng lúa không nhỏ từ Campuchia về là do người dân khu vực biên giới Tây Nam sang Campuchia thuê đất canh tác, mang về nước tiêu thụ sau mỗi mùa thu hoạch.
Campuchia có thế mạnh về lúa dài ngày, năng suất thấp nhưng chất lượng cao, một vài giống lúa, gạo của Campuchia được thị trường nội địa ưa chuộng vì ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, gạo dẻo, được tiêu thụ tốt tại Việt Nam dưới tên gọi gạo Thái Lan.
Lượng gạo từ Campuchia chủ yếu qua đường biên mậu nên không được thống kê đầy đủ, không được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cân đối vào nguồn cung gạo chính thức của Việt Nam. Do vậy, các cơ quan hữu quan gặp khó khăn trong việc đánh giá được chính xác lượng gạo hàng hoá dư thừa trên thực tế, khi gạo từ Campuchia đổ về nhiều.
Tuy nhiên, nguồn lúa gạo này đóng vai trò không nhỏ trong chuỗi cung ứng gạo của Việt Nam. Tầm quan trọng của nguồn lúa gạo này thể hiện rõ ràng vào năm nay, khi theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, hầu như lúa gạo Campuchia không về Việt Nam, khiến nguồn cung gạo Việt Nam vốn thường xuyên được bổ sung lúa gạo từ Campuchia qua đường tiểu ngạch hàng năm bị thiếu hụt đáng kể. Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm chân hàng để thực hiện được các hợp đồng đã ký kết. Trong bối cảnh như vậy, có thể khẳng định, chủ trương tạo thuận lợi cho việc lưu thông lúa gạo giữa Việt Nam và Campuchia là cần thiết.
Việt Nam giáp biên với Campuchia tại phía Tây Nam. Để thúc đẩy thương mại song phương, giữa hai chính phủ đã đi tới ký kết Bản thoả thuận ưu đãi thuế, theo đó Việt Nam dành cho 25 mặt hàng nông sản của Campuchia mức thuế suất ưu đãi từ 0 tới 25%, trong đó lúa gạo là một trong những mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0% trong hạn mức hạn ngạch thuế quan.
Ngoài ưu đãi về thuế nhập khẩu qua đường chính ngạch, theo quy định tại thông tư 61/2006/TTBTC ngày 29.6.2006 của bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại Campuchia thì sản phẩm lúa gạo do các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại các tỉnh Campuchia giáp biên giới Việt Nam nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất hàng hoá tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày