Pakistan – Đề xuất cơ chế tự do thương mại dệt may

Vụ thu hoạch bông không thành công đã đặt Pakistan vào tình thế khó khăn. Đối mặt với vấn đề này, ngành dệt may Pakistan đã đề nghị chính phủ triển khai cơ chế tự do thương mại nhằm thúc đẩy ngành phát triển. Ngành dệt may Pakistan đóng góp 8,5% cho GDP cả nước và tạo công ăn việc làm cho 38% lực lượng lao động. Ngoài ra, ngành dệt may cũng chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu với số vốn đầu tư 7 tỷ USD trong vòng 6 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 cũng đạt 9,48 tỷ USD. Hiện tại, có hơn 4000 đơn vị liên quan đến ngành công nghiệp dệt may hoạt động tại nước này. Ngành cũng đã cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại máy và thiết bị dệt; từ đó giúp toàn ngành đạt được những hiệu quả kinh tế nhờ quy mô.

Các chuyên gia dự báo đến năm 2014 các cơ sở dệt may tại một số nước phương Tây sẽ đóng cửa và tìm kiếm nguồn cung cấp hàng tại các nước khác; kết quả là thương mại dệt may thế giới sẽ tăng lên ở mức 800 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng giao dịch hàng dệt may của Pakistan chiếm khoảng 3,5% tổng khối lượng toàn cầu. Nếu Pakistan có thể duy trì, thì chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu dệt may cũng đã lên tới 28 tỷ USD. Bông đóng vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp dệt của Pakistan. Đây cũng là quốc gia cung cấp bông lớn trên thế giới. Bông là cây trồng có tiềm năng xuất khẩu của Pakistan, chiếm khoảng 55% tổng doanh thu xuất khẩu hàng năm của cả nước. Như vậy, thúc đẩy xuất khẩu bông cũng có nghĩa là đẩy mạnh xuất khẩu. Và vì thế, vụ thu hoạch bông năm 2010 không thành công đã gây thiệt hại khá nặng nề đối với nền kinh tế Pakistan.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy dệt may Pakistan (APTMA), ông Gohar Ejaz, Pakistan sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các “đại gia” về xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam và Sri Lankia vì phải nhập khẩu một số lượng bông lớn để đáp ứng sự thiếu hụt bông trong nước.

Ông cũng cho biết chính phủ Pakistan đã đảm bảo sẽ không đặt ra những hạn chế về xuất khẩu đối với bất kỳ mặt hàng dệt may nào.

Ông Ijaz Khokhar, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may may sẵn Pakistan (PRGMEA) cho biết các nhà sản xuất dệt may sẽ không ủng hộ việc kiềm chế xuất khẩu hàng dệt may và đề xuất chính phủ triển khai cơ chế thương mại tự do, miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại vải màu xám, vải nhuộm và vải in.

Để thúc đẩy xuất khẩu, chính phủ Pakistan trong chiến lược dệt may 2009-2014 đã cấp khoản trợ cấp xuất khẩu trị giá 1 tỷ USD. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2014 là 25 tỷ USD (so với mức hiện tại là 17,8 tỷ USD).

“Campuchia– Xuất khẩu dệt may có triển vọng tốt cho dù phát triển ngành vẫn còn “lao đao”

Mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng nạn thất nghiệp vẫn là vấn đề nan giải đối với ngành dệt may mà Căm-pu-chia cần phải giải quyết trong năm 2010.

Năm 2010 cũng là năm không ổn định đối với ngành công nghiệp dệt may Căm-pu-chia do ngành không giải quyết được vấn đề tiền lương tối thiểu. Cuộc khủng hoảng lao động tác động tiêu cực đối với sự phát triển của ngành cả về mặt tài chính và năng lực sản xuất. Tuy nhiên, ngành dệt may nước này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển để trở thành ngành công nghiệp trụ cột đối với kinh tế Căm-pu-chia.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ giữa tháng 9 sau đợt đình công của 75.000 công nhân dệt may đòi tăng mức lương tối thiểu. Mặc dù chính phủ đã can thiệp nhưng cuộc đình công vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với toàn ngành. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Căm-pu-chia (GMAC), tổn thất ngưng trệ sản xuất, giảm giá cho người mua do giao hàng chậm do cuộc đình công gây ra mà ngành phải chịu là 14 triệu USD.

Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy kim ngạch hàng dệt và may mặc 3 quý đầu năm 2010 của Căm-pu-chia đạt 2,27 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số đáng ghi nhận cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của ngành dệt may sau các cuộc khủng hoảng tài chính cũng như tranh chấp về mức lương trong nội bộ đất nước Căm-pu-chia. Nhưng GMAC nhấn mạnh rằng các cuộc đình công đã có tác động nghiêm trọng vào doanh thu xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia vẫn tự tin về xuất khẩu dệt may trong năm 2011 vì những biện pháp cải thiện ưu đãi xuất khẩu đối với hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU.

Thái Lan – Phát triển công nghệ xanh

Theo Thống kê của Bộ Công nghiệp Thái Lan, ngành dệt may Thái Lan năm 2010 chứng kiến sự tăng trưởng ổn định, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 20%, đạt 7 tỷ USD. Ngành cũng duy trì thị phần khá tốt tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ.

Ngành dệt may Thái Lan tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Nguồn: Vietrade

Nguồn: Vinanet