Mặc dù nguồn dầu mỏ và lương thực ở khu vực Đông Nam Á có thể được coi là đầy đủ, song việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng này không tốt dẫn tới tâm lý hoang mang và gây nên tình trạng sốt giá.
Hiện tại, lương thực và năng lượng là những vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực của không chỉ các thành viên ASEAN, mà cần phải có sự hợp tác sâu rộng mang tầm vóc lớn hơn như của cả khu vực Đông Á. Theo ông Pitsuwan, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là thời điểm thích hợp để các nước Đông Á nhìn nhận đúng vấn đề để liên kết giải quyết.
ASEAN đang hướng tới xây dựng một cộng đồng chung, trong đó các nước cùng chia sẻ lo lắng và trách nhiệm chung trước những vấn đề của khu vực. ASEAN là khu vực có tiềm năng cung cấp tài nguyên, trong khi Nhật Bản lại là cường quốc hàng đầu trên lĩnh vực nghiên cứu, khai thác và lưu thông. Vì vậy, sự hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, hay với những nước quan trọng khác ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ là yếu tố rất quan trọng nhằm bảo đảm nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của khu vực cũng như thế giới.
Theo ông Pitsuwan, để "hạ nhiệt" tình trạng sốt giá lương thực, các nước cần phải có một quá trình, đồng thời phải bảo đảm sản lượng đầy đủ. Trong khi đó, các ngân hàng và tổ chức tín dụng lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng bắt đầu triển khai các chương trình tài chính lớn nhằm giúp ổn định giá lương thực trong khu vực. Vì vậy, vấn đề chỉ còn là thời gian để các chương trình trên có thể phát huy hiệu quả.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam