Động thái bất ngờ mua lại một lượng lớn nợ chính phủ của Cục dự trự Liên bang Mỹ (FED) khiến đồng USD giảm giá trong tuần qua, cùng với việc giá hàng hóa tăng trở lại đã hỗ trợ các thị trường mới nổi, vốn bị tác động liên tục trong năm 2008 khi các nhà đầu tư rút vốn về để đầu tư vào đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ nhằm đảm bảo sự an toàn tương đối.
Giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi của Credit Suisse, Kasper Bartholdy, nói: "FED không quan tâm đến tất cả những vấn đề cũng như việc đưa kinh tế thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng, mà kế hoạch của họ có thể chỉ có tác động tích cực đối với tất cả các tài sản rủi ro. FED không quan tâm đến việc kế hoạch này có làm giảm bớt sức ép lên các thị trường mới nổi hay không".
Trong tuần qua, tỷ lệ phần trăm của đồng USD trong rổ tiền tệ đã giảm mạnh nhất trong gần 25 năm, sau khi FED công bố kế hoạch mua 300 tỷ USD trái phiếu chính phủ dài hạn trong vòng 6 tháng tới làm xuất hiện "bóng ma" của việc bội cung USD khi in thêm tiền. Ngay sau thông báo này, giá cổ phiếu ở các thị trường mới nổi đã tăng khoảng 2%.
Việc đồng tiền xanh đảo chiều sau đà tăng giá mạnh mẽ kể từ tháng 8/08 có thể mang đến cho các nền kinh tế mới nổi một sự thúc đẩy đáng kể. Mặc dù giảm hơn 55% kể từ tháng 5/08, các thị trường chứng khoán mới nổi đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng so với các thị trường khác trên toàn cầu. Bất chấp những lo ngại kéo dài về tác động của sự suy giảm nhu cầu toàn cầu đối với các nền kinh tế mới nổi có định hướng xuất khẩu, kể từ đầu năm 2009 tới nay, giá cổ phiếu ở các nền kinh tế này chỉ giảm 2%, so mức giảm trung bình 12% trên cả thị trường toàn cầu và các thị trường phát triển.
Nhà quản lý quỹ chứng khoán Dexia Asset Management, có trụ sở tại Brúcxen, Philip Screve nói: "Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán mới nổi chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu và chúng ta sẽ còn phải chờ đợi các chỉ số kinh tế khác. Đơn giản là các thị trường này mới chỉ bắt đầu dự đoán về khả năng phục hồi kinh tế".
Sự yếu đi của đồng USD sẽ giúp những người đi vay là các quốc gia hoặc doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi "thư giãn" hơn trước sức ép thanh toán nợ nước ngoài trong năm nay.
Những lo ngại của các nhà đầu tư về sự mất ổn định trong tỷ giá hối đoái của các thị trường mới nổi tập trung chủ yếu vào Nga, nước có lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ song vẫn bị đánh giá là dễ tổn thương trước khoản nợ nước ngoài xấp xỉ 130 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay, sau khi đồng rúp mất hơn 1/3 giá trị so với đồng USD từ mức đỉnh điểm vào giữa năm 2009.
Tuy nhiên, cũng như các nước xuất khẩu có vị thế tương đương như Braxin và Inđônêxia, nền kinh tế Nga, vốn dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, cũng có thể được hỗ trợ bởi việc đồng USD giảm giá. Bartholdy ở Credit Suisse nói: "Đồng USD giảm giá có xu hướng kéo giá hàng hoá lên. Tất nhiên, sự hỗ trợ này có xảy ra hay không là phụ thuộc vào nhu cầu chung". Tuần qua, lần đầu tiên trong năm 2009, giá dầu vượt ngưỡng 50 USD/thùng, đạt mức trên 52 USD/thùng.
Tuy nhiên, việc đồng USD giảm giá lại mang lại lợi thế hơn cho các thị trường mới nổi ở Mỹ Latinh và châu Á, so với các thị trường mới nổi ở châu Âu, vốn đang bị xáo trộn trong những tháng gần đây vì mối lo trả lãi các món nợ ngoại tệ mạnh, trong lúc đối mặt với việc các đồng nội tệ yếu đi.
Người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Ashmore Investment Management, Jerome Booth, cho rằng khủng hoảng tín dụng toàn cầu đã gây ra "tác động phụ" lên các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và Mỹ Latinh, với việc làm cho các ngành công nghiệp xuất khẩu lao đao và hạn chế các dòng chảy vốn, song về cơ bản không làm tổn hại đến hệ thống ngân hàng. Ông nói sự suy giảm xuất khẩu và dòng chảy đầu tư chỉ là các vấn đề ngắn hạn và mang tính quá độ, đồng thời nhận định dữ trữ ngoại tệ ở mức cao được tích lũy trong thời gian qua sẽ giúp các nước này đứng vững.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu đang suy giảm trước những khó khăn lớn về vốn, khi các ngân hàng nước ngoài hạn chế các dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, đồng USD yếu hơn sẽ không hỗ trợ đáng kể cho các nước như Hungary và Ba Lan, những nước có các khoản nợ nước ngoài khổng lồ tính theo euro và france Thuỵ Sỹ. Người phụ trách các thị trường mới nổi ở Fortis Investments, Pierre-Yves Bareau, nói: "Trong dự đoán về sự phục hồi kinh tế, châu Á sẽ là đối tượng đầu tiên. Các nền kinh tế Mỹ Latinh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc đồng USD giảm giá, song các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu lại đang đối mặt với việc phải thanh toán một khối nợ lớn".

Nguồn: Internet