Các nhà đầu tư Mỹ đang thu hẹp các dự án của mình ở nước ngoài nhằm rút bớt tiền về nước để mua trái phiếu chính phủ Mỹ, loại tài sản được coi là chỗ dựa an toàn cuối cùng.
Trung Quốc cũng đang đổ những khoản tiền khổng lồ vào mua nợ của Mỹ. Điều này đang làm cho giá trị của đồng USD tăng lên và tạo ra nguồn tài chính sống còn giúp chính quyền Obama tài trợ cho các ngân hàng và triển khai kế hoạch kích thích kinh tế mà không cần phải nâng lãi suất.
Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu ngày càng trì trệ do mất niềm tin và thiếu vốn, cùng với hoạt động cho vay và đầu tư rối loạn, dòng tiền quay về Mỹ đang làm cho cuộc khủng hoảng ở phần còn lại của thế giới nghiêm trọng thêm. Tiền mà các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương nước ngoài mua trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ không giúp gì cho các nước Đông Âu đang khát vốn để tái cơ cấu các khoản nợ. Những đồng tiền đó cũng không tới được châu Phi, nơi nhiều nước đang phải đối mặt với tình trạng giảm sút viện trợ và đầu tư từ nước ngoài.
Ông Eswar Prasad, một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện làm việc cho Viện Brookings, nhận xét: "Gần như tất cả các nước có thu nhập thấp đều gặp khó khăn nghiêm trọng. Đây là làn sóng thứ ba của khủng hoảng tài chính. Những nước này sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Dòng vốn chảy vào các thị trường đang nổi sẽ cạn kiệt". Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết đầu tư tư nhân vào các nền kinh tế đang nổi đã giảm mạnh từ 928 tỷ USD năm 2007 xuống còn 466 tỷ USD năm 2008 và có thể chỉ còn 165 tỷ USD trong năm nay.
Dòng tiền nay lại chảy về nước Mỹ, trong khi các nhà đầu tư trên toàn cầu tiếp tục thắt chặt hầu bao và cắt giảm càng nhanh càng tốt quy mô của các dự án đầu tư rủi ro. Đầu tư của nước ngoài vào Mỹ cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Mỹ cắt giảm các dự án ở nước ngoài và giữ tiền lại ở trong nước, cùng lúc với các ngân hàng trung ương nước ngoài, nhất là Trung Quốc, tăng mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, Mỹ lại đang thu về nguồn tiền đã từng được rải khắp thế giới.
Bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là Đông Âu, nơi các nhà đầu tư đã vay những khoản khổng lồ, chủ yếu bằng đồng euro và franc Thụy Sỹ, để xây các toà nhà văn phòng và xí nghiệp. Những khoản nợ này đã phình lên, do đồng tiền của họ mất giá, dẫn tới thua lỗ của các ngân hàng, buộc chính phủ phải ra tay cứu trợ và cầu viện IMF. Nhiều nhà kinh tế đã ví những gì đang xảy ra ở Đông Âu giống như cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á hồi cuối thập niên 1990. Hồi đó, cũng giống như ngày nay, các nhà đầu tư vay tiền của nước ngoài và khi dòng đầu tư chạy khỏi khu vực, tiền địa phương bị giảm giá mạnh, nhất là ở Thái Lan và Inđônêxia, châm ngòi cho những phản ứng dây chuyền sau đó. Tuy nhiên, hồi cuối những năm 1990 kinh tế thế giới vẫn đang phát triển mạnh và các nước châu Á đã có thể phục hồi nhờ tăng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Đồng tiền địa phương giảm giá mạnh ngày ấy thậm chí còn góp phần làm cho hàng hoá của Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia và Hàn Quốc trở nên rẻ hơn trên thị trường thế giới nữa. Còn ngày nay, tuy đồng tiền của nhiều nước có thu nhập thấp bị giảm giá, nhưng thế giới lại rơi vào suy thoái và nhu cầu đối với hàng hoá của họ vừa thấp vừa bị giảm xuống.
Trong báo cáo công bố ngày 8/3, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ qua trong năm 2009, và thương mại toàn cầu cũng sẽ giảm lần đầu tiên kể từ đầu thập niên 1980. Nhà kinh tế Brad Setser, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho rằng đồng tiền của các nước Đông Âu giảm giá lần này không đủ bù đắp được cho những hợp đồng thương mại bị cắt giảm. Ông Setser lưu ý rằng lượng hàng bán ra ở ngay cả các nhà xuất khẩu mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan và Braxin cũng đã bị giảm xuống trong những tháng qua. Theo Setser, tất cả các nước xuất khẩu hàng hoá đều có nguy cơ bị tác động của khủng hoảng tiền tệ. Ông Eswar Prasad thì đưa ra một danh sách dài những nước nằm trong vùng nguy hiểm, trong đó có Việt Nam, Philíppin, Malaixia, Inđônêxia, Pakixtan và Êquađo.
Khi cả thế giới lo ngại thì nước Mỹ và đồng USD lại được lợi nhờ cơn hoảng loạn này. Theo số liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng USD đã tăng giá 13% so với các đồng tiền chủ chốt khác trong năm qua, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà nước ngoài nắm giữ tăng 456 tỷ USD trong năm 2008. Giải thích hiện tượng này, ông William Cline, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện kinh tế quốc tế Peterson ở Oasinhtơn, cho rằng mọi người vẫn tin chính phủ Mỹ không bao giờ bỏ mặc các khoản nợ của mình. Bên cạnh chức năng là một trong những đồng tiền chủ chốt trong giao dịch quốc tế, đồng USD một lần nữa khẳng định nó vẫn là đồng tiền dự trữ trên toàn cầu. Năm 2008, một số nhà kinh tế lo ngại sự suy giảm của kinh tế Mỹ có thể khiến các ngân hàng trung ương nước ngoài không muốn dự trữ ngoại tệ bằng USD, nhưng nay nhận định đó đã chứng tỏ không còn chính xác nữa.
 

Nguồn: Internet