Dự báo thời gian tới, giá gạo XK khó giảm thêm; tháng 9 giá đường ổn định; giá phân bón nhập khẩu trong nước giảm; giá xi-măng ổn định; giá thép có xu hướng giảm và ổn định; giá thuốc có điều chỉnh nhưng không biến động lớn.

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, giá gạo xuất khẩu (XK) đã giảm 50 - 100 USD/tấn so tháng 7 nhưng giao dịch gạo tại thị trường châu Á vẫn ở mức thấp do các nhà nhập khẩu chờ giá giảm thêm. Các nước XK gạo lớn như Thái-lan, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường gạo trong nước và XK. Dự báo thời gian tới, dù nguồn cung tăng từ các nước XK gạo được mùa nhưng nhu cầu từ các nước nhập khẩu cũng tăng nên giá gạo XK khó giảm thêm.

Trong nước, đợt mưa lũ vừa qua làm thiệt hại khoảng 15 nghìn ha lúa tại các tỉnh miền núi phía bắc. Nguồn cung phía bắc vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giá thóc giảm nhẹ 200 đồng/kg, hiện ở mức 5.500 - 6.200 đồng/kg với thóc tẻ thường, giá gạo tẻ thường 8.500 - 10.500 đồng/kg.

Tại Nam Bộ, đầu tháng 8 nhu cầu gạo XK thấp nhưng nguồn cung tăng mạnh do vụ hè thu được mùa nên tiêu thụ lúa gạo chậm, giá giảm, có lúc giá lúa hè thu khô chỉ 4.100 - 4.300 đồng/kg. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh cho doanh nghiệp kinh doanh lương thực vay vốn với lãi suất ưu đãi để tăng cường mua gom lúa hàng hóa trong dân. Ðến cuối tháng 8, tiêu thụ lúa được khơi thông, giá lúa tăng 300 - 500 đồng/kg đang ở mức 4.600 - 5.000 đồng/kg với lúa hè thu thường, 8.000 - 10.000 đồng/kg gạo tẻ thường. Dự báo tháng 9 giá lúa ổn định ở mức 5.000 - 5.200 đồng/kg.

Với mặt hàng đường, niên vụ 2007-2008 đã kết thúc. Ðến ngày 31-8, tồn kho tại các nhà máy đường khoảng 173,6 nghìn tấn, cao hơn 36 nghìn tấn so cùng kỳ năm trước. Giá đường trong nước ổn định. Giá bán buôn đường trắng loại 1 tại kho nhà máy (đã có thuế GTGT) ở các tỉnh phía bắc 7.700 - 7.900 đồng/kg; miền trung và Tây Nguyên 8.000 - 8.200 đồng/kg; các tỉnh phía nam 8.100 - 8.300 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường 9.500 - 10.500 đồng/kg. Dự báo tháng 9 giá đường ổn định. Ðến tháng 9, các nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long vào vụ mới. Do giá vật tư nông nghiệp và các hàng hóa tăng nên nhiều công ty mía đường dự kiến niên vụ 2008-2009 giá mua mía loại 10 CCS tại ruộng lên tới 500 - 550 nghìn đồng/tấn và giá đường kính trắng khoảng 8.500 đồng/kg mới có lãi.

Với phân bón, giá thế giới giảm kéo giá phân bón nhập khẩu trong nước giảm. Giá tại đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu giảm do diện tích gieo cấy lúa vụ 3 chỉ bằng khoảng một phần tư diện tích vụ hè thu. Tại nhiều địa phương, phân DAP giảm 3.600 - 4.000 đồng/kg; giá bán buôn hiện 16.500 - 17.500 đồng/kg. Các loại phân NPK, lân, ka-li, u-rê giảm 400 - 1.200 đồng/kg so tháng trước. U-rê Trung Quốc 9.200 - 9.400 đồng/kg, u-rê Phú Mỹ công bố giá bán thống nhất trên cả nước 9.500 đồng/kg.

Với xi-măng, tồn kho đến cuối tháng 8 là 430 nghìn tấn và 1,2 triệu tấn clanh-ke. Giá bán tại các nhà máy thuộc Tổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam ổn định, giá bán lẻ trên thị trường giảm nhẹ do tiêu thụ chậm. Dự báo tháng 9 giá xi-măng ổn định.

Với thép xây dựng, nguồn cung dồi dào, giá bán xu hướng giảm nhưng tiêu thụ tháng 8 chậm hơn tháng trước. Lượng thép thành phẩm tồn kho đến cuối tháng 8 khoảng 200 nghìn tấn, lượng phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 9 là 400 nghìn tấn. Do giá phôi thế giới giảm mạnh và tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép giảm giá bán thu hồi vốn. Giá bán của các doanh nghiệp sản xuất và liên doanh với Tổng công ty thép (chưa trừ chiết khấu và chưa có thuế GTGT) tại phía bắc 16,85 - 17,5 triệu đồng/tấn; phía nam 17,23 - 17,6 triệu đồng/tấn; giảm từ 200 nghìn đến ba triệu đồng/tấn tùy loại so tháng 7. Dự báo tháng 9 giá có xu hướng giảm và ổn định.

Với thuốc chữa bệnh, nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh. Giá có điều chỉnh nhưng không biến động lớn. Kiểm tra 400 loại thuốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy giá thuốc của nhà thuốc của bệnh viện thấp hơn giá của nhà thuốc chung quanh bệnh viện, thuốc bán có nguồn gốc rõ ràng, chênh lệch thặng số bán lẻ của nhà thuốc của bệnh viện với giá nhập phù hợp quy định của Bộ Y tế. Kiểm tra một số nhà thuốc của các công ty kinh doanh dược phẩm, trung tâm bán buôn và nhà thuốc tư nhân tại cả ba khu vực cho thấy nhìn chung các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Dự báo tháng 9 cung - cầu về thuốc cân đối, giá thuốc tiếp tục được điều chỉnh nhưng không có đột biến và trong mức cho phép của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Nguồn: Nhân Dân