Theo Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), qua khảo sát tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh cho thấy mức tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2009 chỉ tăng khoảng 38,3% so với  tiêu dùng bình thường. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trong những năm gần đây, dao động từ 50-60%. Mức tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tại thị trường TPHCM được dự báo tăng cao hơn nhiều so với thị trường Hà Nội. Mức tăng trung bình là 52,2%, trong khi đó tại Hà Nội, mức tăng nhu cầu trung bình khoảng 26,9%, chỉ bằng khoảng 1/2 so  với nhu cầu của người tiêu dùng Tp.Hồ Chí Minh.

Nhu cầu tiêu dùng cũng không đồng nhất đối với từng loại sản phẩm.Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm và giò, chả sẽ tăng mạnh nhất trong dịp Tết Nguyên Đán. Mức tăng tiêu dùng đối với thịt gia cầm là 52,35%, mức tăng với giò, chả là 45,59%. Đây là hia loại thực phẩm truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

Trong khi đó, nhu cầu về thịt bò tăng khoảng 45,39%, thịt lợn tăng 45,30%. Nhu cầu tiêu dùng thuỷ hải sản tăng thấp hơn, chỉ ở mức 36,46% so với mức tiêu dùng thường ngày. Dự báo mức tiêu dùng thịt bò dịp Tết tại Tp. Hồ Chí Minh tang 52,57%, Hà Nội tăng 39,65%, thịt lợn: Tp.Hồ Chí Minh tăng 62,62% trong khi đó ở Hà Nội tăng 29,05%. Mức tăng nhu cầu tiêu dùng đối với thịt gia cầm được dự báo khá ngang bằng tại Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, lần lượt là 54,58% và 50,65%.

Nhóm thực phẩm tươi sống có mức tăng nhu cầu cao hơn so với nhóm thực phẩm chế biến.Ngoại trừ giò chả là loại thực phẩm truyền htống, các loại thực phẩm chế biến còn lại có mức tăng thấp hơn. Trong đó, mức tăng cao nhất là chả/nem rế, tăng khoảng 34,33%. Chả nem/rế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do dây cũng là loại thực phẩm gắn liền với thói quen ăn uống trong dịp Tết. Mặt khác nó có ưu điểm tiện lợi hơn chả/nem rế truyền thống, nhất là trong xu hướng hiện nay chơi Tết là chủ yếu thay vì ăn Tết. Tiêu dùng xúc xích được dự đoán sẽ tăng khoảng 29,84%.

Hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước đang phải gánh chịu những hậu quả kéo dai của đợt rét hồi đầu năm. Cùng với đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng trong khi đầu ra bấp bênh đã khiến cho người chăn nuôi bỏ chuồng trại vì không có lãi. Nguồn cung trong nước hiện khó đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới cùng với chính sách hạn chế nhập khẩu thực phẩm khiến giá hàng hoá này có thể bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Bộ NN-PTNT, việc giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng không phải là yếu tố gây bất ngờ đối với người tiêu dùng nên nhu cầu tiêu dùng cho dịp Tết khó bị thay đổi do những tác động của giá.

Việc cân đối giữa sự sụt giảm của nhu cầu tiêu dùng với sự khan hiếm nguồn cung thực phẩm là cơ sở quan trọng nhất để các doanh nghiệp thực phẩm xây dựng kế hoạch kinh doanh trong dịp Tết 2009 này.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam