Theo nhận định của nhiều chuyên gia và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vào cuối năm 2009, Philippines và Ấn Độ sẽ là những nước gây ảnh hưởng đến thị trường gạo trong năm 2010. Khi đó, nhiều thông tin cho rằng Philippines sẽ phải nhập khẩu từ 2,6-3 triệu tấn gạo, còn Ấn Độ do mất mùa cũng sẽ phải nhập khẩu gạo.
Tác động cụ thể từ những dự báo này đã thể hiện rõ trong ba tháng đầu năm 2010, khi giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 549 đô la Mỹ/tấn.
Thế nhưng, cũng từ đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại giảm dần. Đến tháng 5-2010, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần như thấp nhất so với các nước trên thế giới, tính cả năm tháng chỉ đạt bình quân 532 đô la Mỹ/tấn.
Còn nếu căn cứ vào lượng gạo thực xuất trong tháng 5 thì giá bình quân chỉ đạt 417,7 đô la Mỹ/tấn; tháng 6 (tính đến ngày 19-6) cũng chỉ đạt hơn 418 đô la Mỹ/tấn. Ở thời điểm hiện tại, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán với giá chỉ 360 đô la Mỹ/tấn, nhưng không nhiều nhà nhập khẩu chịu mua.
Theo thông tin gần đây, Ấn Độ sẽ không nhập khẩu mà trái lại, còn có thể xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm! Theo Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO), Ấn Độ chẳng những không mất mùa mà còn có thể sẽ tăng sản lượng gạo đến 13% trong năm nay. Nhiều nước sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh... cũng trúng mùa.
Do đó, FAO dự báo sản lượng gạo toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 456 triệu tấn trong năm 2010, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ vào khoảng 454 triệu tấn. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trên thế giới cũng được dự báo sẽ lên đến 123,5 triệu tấn, tức nhu cầu gạo trong những tháng cuối năm sẽ giảm dần!
Một lý do khác khiến giá gạo thế giới giảm là thời gian vừa qua giá lúa mì rẻ hơn so với giá gạo. Chính vì thế, người dân một số nước đã chuyển sang dùng lúa mì dẫn đến giảm nhu cầu về gạo. Theo FAO, giá lúa mì thậm chí có thể rẻ hơn trong thời gian tới, do nguồn cung dồi dào và “bùng nổ” xuất khẩu từ các nước vùng biển Đen.
Còn đối với Philippines, nhập khẩu gạo vẫn có thể đạt 2,5 triệu tấn trong năm nay nhưng ngoài những gói thầu đã mở cuối năm 2009 và đầu năm 2010, thì trong thời gian tới, thay vì mở thầu tập trung, nước này sẽ cho các công ty tư nhân nhập từ 100 - 1.000 tấn, nhằm có giá rẻ hơn. Theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, nếu vậy thì VFA khó có cơ hội thu về các hợp đồng tập trung với giá hấp dẫn từ thị trường này.
Gần đây nhất, Bộ Thương mại Thái Lan đã lập kế hoạch bán dần lượng gạo tồn kho để chuẩn bị cho vụ mùa mới vào tháng 11. Động thái này có thể sẽ không làm giá gạo giảm vì theo kế hoạch, từng lượng gạo nhỏ sẽ đưa ra thị trường để tránh tăng nguồn cung đột ngột và có thể ngưng ngay nếu giá có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, đó chính là sự cạnh tranh trực tiếp đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Những ngày vừa qua, theo giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL: “Lượng hợp đồng mới ký kết của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay!”. Hiện các nước nhập khẩu gạo gần như đã đủ số lượng cần thiết và đến quí 4-2010 mới đưa ra kế hoạch nhập khẩu mới.
Theo công bố của VFA, đến thời điểm này các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng xuất khẩu tổng cộng hơn 4,9 triệu tấn, nhưng nếu tính số lượng đã thực hiện thì đến ngày 19-6, lượng gạo còn phải xuất chỉ hơn 1,8 triệu tấn.
Trong khi đó, hồi cuối tháng 4- 2010, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp vào khoảng 2 triệu tấn, và nếu trừ số đã xuất trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 thì lượng tồn kho cũng gần 1 triệu tấn, chưa kể lượng gạo mua thêm trong hơn một tháng qua.
Điều này lý giải vì sao những ngày qua, nhiều nông dân ở ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu sớm nhưng rất khó bán. Tính đến đầu tuần này, giá lúa IR 50404 chỉ còn khoảng 3.400 đồng/ki lô gam, còn loại hạt dài, tốt chỉ còn khoảng 3.800 đồng/ki lô gam.
Đáng lo nhất là vụ hè thu này, nông dân thu hoạch rất nhiều lúa IR 50404. Nếu căn cứ vào các hợp đồng đã ký, phần lớn lượng gạo mà doanh nghiệp cần là loại 5% tấm, tức không thể dùng lúa nguyên liệu IR 50404. Do đó, nếu các doanh nghiệp không đẩy mạnh mua lúa, nông dân sẽ càng gặp nhiều khó khăn do đang vào mùa mưa, việc trữ lúa, gạo gặp nhiều trở ngại.
Trước diễn biến thị trường hiện nay, theo một số chuyên gia, nếu không hạ giá gạo xuất khẩu thì đầu ra sẽ bị hạn chế. Vì hiện tại, một số nhà nhập khẩu chỉ mua gạo 25% tấm với giá 305 đô la Mỹ/tấn và 340 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm.

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày