Lãnh đạo Bộ Công thương và VFA đều khẳng định, việc sốt giá như năm 2008 sẽ không thể tái diễn vì hiện tại vẫn còn trên 1,3 triệu tấn dự trữ.

Tại buổi Họp báo về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa những tháng cuối năm 2011 được tổ chức chiều 24/8, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định, trong năm 2011 không thể có chuyện sốt gạo như năm 2008 vì đã có cơ chế dự trữ đảm bảo.

Cụ thể, Vinafood2 hiện nay còn tồn kho 500.000 tấn, trong đó 200.000 tấn hoàn toàn không có hợp đồng và đang để dự trữ.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến, sản lượng lúa năm nay sẽ tăng 1,5 triệu tấn và sản lượng hàng hóa sẽ có khoảng 7,5-8 triệu tấn. Mức dự kiến điều hành xuất khẩu do Bộ Công thương và VFA thống nhất là 7 triệu tấn và sẽ được điều hành một cách linh hoạt. Theo lời ông Phong, tất cả các hợp đồng đã ký đều đảm bảo lượng tồn kho luôn trên mức 1,2-1,5 triệu tấn. Ngoài ra các công ty phải đảm bảo dự trữ 10%.

Ông Phong tỏ ra rất chắc chắn: "Tôi bảo đảm với người dân từ nay đến đầu năm 2012 vẫn không thiếu gạo vì chúng ta vẫn đang còn gạo trong kho. Trong khi hè thu đến nay chúng ta thu hoạch chưa hết, hiện nay mới khoảng 1,1 triệu trên 1,6 triệu tấn; vụ thu đông riêng ĐB Sông Cửu Long đã 700.000 tấn. Như vậy, thu hoạch từ nay đến đầu năm sau là liên tục, gối đầu từng vụ là 350.000 tấn. Đến tháng 1 tháng 2 lại đã có thu hoạch đông xuân sớm."

Ngoài ra, trong tình hình giá lên, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã có các Chương trình bình ổn với các loại hàng hóa thiết yếu trong đó có gạo. Riêng ở TPHCM có 70 cửa hàng bình ổn của riêng ngành lương thực và đã phủ hết tất cả các quận huyện. Kho gạo Bình Chánh luôn sẵn sàng 6 đến 7.000 tấn để cung cấp.

Chủ tịch VFA: "Tôi bảo đảm với người dân từ nay đến đầu năm 2012 vẫn không thiếu gạo vì chúng ta vẫn đang còn gạo trong kho".

Giá gạo ở TPHCM vẫn ở mức bình thường, giá gạo tẻ thường thành phẩm (5% tấm) vẫn đứng 11.500 đồng/kg đã cộng phí bao bì và thuế VAT. Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn mua gạo xuất khẩu giá phải trên 12.000 đồng/kg.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, lượng gạo bình ổn trên thị trường cũng như lượng gạo dự trữ khoảng 1,3 triệu tấn hiện này đủ sức để can thiệp thị trường bất cứ thời điểm nào để không để xảy ra sốt giá như năm 2008.

Để xử lý các phần tử tung tin đồn thất thiệt gây nhiễu thị trường, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và bên công an để điều tra, làm rõ, xử lý theo luật định.

Không có chuyện tăng xuất khẩu chạy Nghị định 109

Với chất vấn của phóng viên liệu có chuyện các doanh nghiệp được cấp giấy phép xuất khẩu gạo tham gia thị trường nhiều hơn, tăng đột biến các đơn hàng để chạy Nghị định 109 sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định không hề có chuyện này.

Đến nay, Bộ Công thương đã cấp 61 giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo cộng với 4 doanh nghiệp ngước ngoài., tổng cộng 65 nhà xuất khẩu gạo này chiếm 80% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 8 thì lượng đăng ký không nhiều.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho hay, việc ra đời Nghị định 109 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và sự tham gia của Hiệp hội lương thực quy định một số trách nhiệm đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có trách nhiệm giữ dự trữ lưu thông tối thiểu 10% so với khối lượng gạo xuất khẩu.

Theo đó, đây là trách nhiệm và yêu cầu bắt buộc để cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo và tham gia hợp đồng xuất khẩu gạo. Tỷ lệ 10% nhằm đảm bảo lượng gạo cần thiết để tham gia bình ổn thị trường khi có những biến động bất thường.

Ngoài ra, khi đăng ký hợp đồng, doanh nghiệp phải chứng minh được có chân hàng tối thiểu không dưới 50% về số lượng gạo đăng ký xuất khẩu. Thời gian qua, Hiệp hội lương thực cũng đã có những hoạt động kiểm tra, tuy nhiên sắp tới, Bộ Công thương yêu cầu phải tăng cường công tác này. Đặc biết sẽ có những đợt kiểm tra đột xuất với những doanh nghiệp có đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp đăng ký mà chưa có hàng, sau đó về thu gom hàng gây biến động giá trên thị trường nội địa.

Tinh thần của Nghị định 109 vừa đảm bảo khả năng về tài chính, về dự trữ, chế biến cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa đảm bảo ổn định thị trường trong nước, Thứ trưởng nhận xét.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm nay sẽ đảm bảo kế hoạch với sản lượng dự kiến trên 41,6 triệu tấn thóc, tăng 1,522 triệu tấn so với sản lượng năm 2010, sau khi đã trừ lượng tiêu dùng nội địa khoảng 27,52 triệu tấn thóc, lượng lúa hàng hóa xuất khẩu khoảng 14,08 triệu tấn tương đương khoảng 8 triệu tấn gạo (tỷ lệ tạm tính gạo bằng 57% thóc). Ngoài con số đó, còn khoảng 0,8 triệu tấn gạo tồn kho từ năm 2010.

Như vậy, nếu không có đột biến về sâu bệnh và thời tiết, lượng gạo trong nước đủ để cân đối cho nhu cầu xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2011 và gối đầu cho năm 2012.

 

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng gần 4% so với tuần trước

 

(DVT.vn) - Tuần này, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chào bán với giá 570-580 USD/tấn, gạo 25% có giá 530-540 USD/tấn.

Hôm 24/8, gạo trắng chuẩn 100% B của Thái Lan được chào bán với giá 615 USD/tấn, tăng 2,5% so với mức giá tuần trước là 600 USD. giá loại gạo này đứng vững tại 543 USD/tấn trong tháng 1 trước khi giảm xuống 494 USD/tấn trong tháng 5 do nhu cầu thị trường mỏng.

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo chờ đợi chính sách gạo mới của chính phủ. Mặt khác, nhu cầu về gạo của nước này lại đang gia tăng do giá thấp hơn của Việt Nam.

Hôm 24/8, giá gạo Thái 5% tấm chào bán với mức 595 USD/tấn, tăng so với mức 555 USD tuần trước. Thời điểm đầu năm, giá gạo này giao động từ 490-540 USD/tấn.

Giá gạo loại này cũng đã vượt gạo cùng loại của Việt Nam, được chào bán với giá 570-580 USD/tấn, tăng so với mức 545-560 USD/tấn tuần trước. Thường giá gạo 5% tấm của ta thấp hơn của Thái là 50 USD/tấn nhưng hồi đầu tháng 8, giá của Việt Nam luôn cao hơn.

Giá gạo 25% tấm của Việt Nam tuần này có giá 530-540 USD/tấn, tăng so với 500-520 USD tuần trước.

Như vậy, so với tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 3,6% và gạo 25% tấm tăng 3,8%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo Việt Nam gia tăng là do đầu cơ và những tin đồn không chính xác về những thương vụ bán gạo với nước ngoài. Cụ thể, Reuters đưa tin hôm 18/8 Vinafood 2 đã kí kết bán 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Tuy nhiên, thực chất Indonesia đã chuyển hướng sang nguồn cung của Thái Lan do giá rẻ hơn khoảng 25 USD/tấn.

Theo VFA, hiện nguồn cung gạo trong nước khá dồi dào, đảm bảo đủ nhu cầu trong nước và cho các hợp đồng xuất khẩu đã kí kết trước đó. Về nhu cầu từ nước ngoài thì hiện VFA vẫn chưa có hợp đồng nào được kí thêm và triển vọng nhu cầu sắp tới cũng không có biến động đột biến do các nước nhập gạo chính của Việt Nam như Indonesia và Philippines về cơ bản đã nhập gạo đủ.

(DVT)

Nguồn: Tin tham khảo