Pháp, cường quốc nông nghiệp hàng đầu của châu Âu đưa ra thông điệp cho rằng châu Âu phải tiếp tục là lực lượng nông nghiệp toàn cầu bằng cách đẩy mạnh sản lượng, trung thành với lập trường của khu vực này trong các cuộc đàm phán thương mại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và giúp các nước nghèo hơn nữa trong vấn đề này. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Michel Barnier nói: "Trong một thế giới cần phải sản xuất nhiều hơn và tốt hơn để nuôi sống 9 tỷ người, mọi người phải đóng góp một phần, trong đó có châu Âu".
An ninh lương thực đã trở thành mối quan ngại lớn ở nhiều nước mấy tuần gần đây do nguồn cung loại hàng hóa thiết yếu này sụt giảm trước nhu cầu tăng cao.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo rằng việc giá lương thực tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua có thể đẩy 100 triệu người ở những nước đang phát triển vào cảnh nghèo đói và kêu gọi chính phủ các nước giải quyết vấn đề này.
Trong những năm gần đây, Pháp, nước nhận được viện trợ nông nghiệp lớn nhất của EU, đã dẫn đầu cuộc chiến chống lại lời kêu gọi gia tăng cắt giảm những khoản trợ cấp nông nghiệp hào phóng của EU.
EU đang xem xét lại chính sách nông nghiệp chung (CAP) và Pháp muốn sử dụng chức chủ tịch EU bắt đầu từ tháng 7 tới để tập trung vào nông nghiệp vì các cuộc đàm phán khó khăn về vấn đề trợ cấp nông nghiệp.
Bộ trưởng Barnier đã nhìn thấy trong bối cảnh giá lương thực tăng cao hiện nay một lý do nữa cho việc EU tiếp tục cứng rắn trong các cuộc đàm phán WTO, nơi EU đang chịu sức ép giảm trợ cấp nông nghiệp và hàng rào thuế quan. Ông nói: "Chúng ta có thêm một lý do nữa để ngăn chặn bất cứ một thỏa thuận không cân bằng nào vì nạn nhân của nó sẽ là những nước nghèo nhất". Theo ông, EU nên tái tập trung viện trợ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ở những nước nghèo.
Iztok Jarc, Bộ trưởng Nông nghiệp Xlôvênia, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU cho rằng lạm phát giá lương thực là "vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với thế giới và châu Âu".
Pháp cũng đưa ra những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn cho việc sử dụng nhiên liệu sinh học vì vậy việc sử dụng chúng sẽ không phải trả giá bằng những vụ thu hoạch lương thực, khiến giá lương thực tăng cao.
Nhiều nhà quan sát gần đây cảnh báo rằng việc sử dụng đất canh tác để trồng những loại cây lương thực làm nhiên liệu sinh học đã làm giảm diện tích đất trồng để lấy lương thực, gia tăng sức ép đối với nguồn cung vốn đã căng thẳng do nhu cầu tăng cao ở châu Á.
Một quan chức cao cấp của Liên hợp quốc đã miêu tả việc đổ xô đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu sinh học gần đây như một "tội ác chống lại loài người" bởi vì nó đã tác động đến giá cả trên toàn cầu.
 
 

Nguồn: Internet