Các bộ trưởng nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/11 đã đạt được thỏa thuận về cải cách hệ thống trợ cấp nông nghiệp của khối, theo đó các nước thành viên nhất trí tăng hạn ngạch sữa, cắt giảm trợ giá nông sản và hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án thân thiện với môi trường.
Thỏa thuận trên được coi là bước cải tiến lớn đầu tiên của Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) gây tranh cãi của EU kể từ khi nó được cải cách vào năm 2003. Các điều chỉnh sẽ bắt đầu được thực thi từ năm 2009 và có hiệu lực đến năm 2013. Bên cạnh vấn đề chuyển bao nhiêu trợ giá nông sản sang cho các dự án nông thôn, thì những trở ngại lớn trong các cuộc thảo luận kéo dài 18 tiếng tại Brúcxen (Bỉ) là làm thế nào để tự do hóa lĩnh vực sữa của EU trước khi hạn ngạch sữa hết hiệu lực vào năm 2015 và tương lai của các khoản trợ cấp nông nghiệp còn lại.
Tuy nhiên, Anh -nước ủng hộ mạnh mẽ các cải cách sâu rộng đối với CAP, vốn tốn kém tới 55 tỷ euro (69 tỷ USD) năm 2007 và chiếm hơn 40% tổng ngân sách của EU- cho rằng các biện pháp mới nói trên là không đủ. Một đại diện của Anh cho rằng EU đã mất cơ hội tiếp tục thúc đẩy nhanh hơn các cải cách đối với ngân sách CAP.
Những biện pháp mới theo thỏa thuận vừa đạt được bao gồm bãi bỏ quy định bắt buộc duy trì 10% đất hoang và tăng dần hạn ngạch sữa cho tới khi hệ thống hạn ngạch này hết hiệu lực vào năm 2015. Các bộ trưởng cũng nhất trí cắt giảm 10% số tiền trợ cấp 300.000 euro được cấp hàng năm cho các nông trại cỡ lớn, nhằm giúp đỡ các hộ nông dân nhỏ khó khăn hơn, theo đó Đức sẽ mất khoản trợ cấp 240 triệu euror mỗi năm. Trong khi đó, các hộ gia đình, hiện nhận khoản trợ cấp nông nghiệp 5.000 euro/năm, sẽ phải chuyển 5% số tiền này sang cho các dự án phát triển nông thôn vào năm 2012.

Nguồn: Internet