Mở đầu cuộc họp báo, ông Stefaan Depypere cho biết: Mục đích ông đến Việt Nam lần này nhằm tìm hiểu, thảo luận với các bên liên quan của Việt Nam về những vấn đề liên quan đến thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày da và qui chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Ông Stefaan Depypere nhấn mạnh: Theo tiêu chuẩn của EC, Cục Phòng vệ Thương mại, Tổng cục thương mại Ủy ban châu Âu buộc phải rà soát cuối kỳ theo yêu cầu của các nhà sản xuất da - giày châu Âu, đây là một thủ tục pháp lý bắt buộc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN, ông Stefaan Depypere cho biết thêm: Cơ quan của ông sẽ nhanh chóng đưa ra các kết quả khách quan sau khi làm việc với các nhà sản xuất da - giày châu Âu, các nhà sản xuất, xuất khẩu và các cơ quan chức năng Việt Nam.
Cục Phòng vệ Thương mại sẽ cân nhắc trên các tiêu chí như: thực tế có tồn tại bán phá giá hay không; nếu có thì ở mức độ nào, hình thức nào; các biện pháp giải quyết việc bán phá giá có ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà sản xuất châu Âu hay không.
Quyết định dỡ bỏ thuế chống bán phá giá sẽ do các nước thành viên Ủy ban châu Âu quyết định. Theo ông Stefaan Depypere, lần rà soát đánh giá tại Việt Nam sẽ được tiến hành ở bất kỳ doanh nghiệp nào trong số 450 doanh nghiệp sản xuất da - giày Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày Việt Nam cho biết: Hiệp hội Da - Giày Việt Nam đã có văn bản chính thức phản đối việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng da giày của Việt Nam. Việc đánh thuế này ảnh hưởng đến công ăn việc làm của 500.000 lao động và toàn bộ ngành da giày Việt Nam. Tháng 8/2008, Hiệp hội Da - Giày Việt Nam đã liên hệ với một công ty luật của Bỉ để đối phó với tình huống trên.
(Vietstock)

Nguồn: Vinanet