Chính vì thế, FAO kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một chiến lược toàn cầu với sự tham gia tập thể và nỗ lực chung của toàn thế giới.
TTXVN cho biết từ giữa tháng 3-2008, FAO và một số tổ chức quốc tế khác đã kêu gọi các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, đặc biệt là Nga, Ukraine, Kazakhstan, tăng sản lượng lương thực. Theo FAO, tiềm năng sản xuất lương thực của các nước này khá lớn với khoảng 23 triệu ha đất canh tác, nhưng không được sử dụng vào mục đích nông nghiệp từ nhiều năm qua, trong đó 13 triệu ha có thể sử dụng để trồng trọt ngay mà không cần chi phí cải tạo môi trường.
Khu vực Nam Mỹ cũng có một quĩ đất tiềm tàng và thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ngay cả ở châu Phi, từ hơn một thập kỷ nay, các cơ quan quốc tế đã thúc đẩy các nước khu vực này tận dụng diện tích đất bỏ hoang để phát triển trồng trọt phục vụ xuất khẩu. Ngoài việc mở rộng đất nông nghiệp và tăng sản lượng lương thực, một số giải pháp khác như giảm, thậm chí bãi bỏ thuế nhập khẩu nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và giống cây trồng cho nông dân... cũng sẽ góp phần giảm giá cả lương thực, thực phẩm trên thế giới.
Hiện nay, cơn sốt giá cả tiếp tục đẩy người dân ở một số nước xuống đường. Trong ngày 6-4, hai cuộc biểu tình chống tăng giá đã xảy ra ở Ai Cập và Campuchia. Tại Ai Cập, cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình ở thành phố Mahalla khi những kẻ quá khích phóng hỏa hai trường học và đốt nhiều vỏ xe dọc tuyến đường ray xe lửa của thành phố. Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tại Ai Cập trong tháng tư đã tăng 50% so với ba tháng trước đó.
Tại Phnom Penh, khoảng 300 người Campuchia đã tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội để phản đối tình trạng lạm phát hai con số và yêu cầu tăng lương. Theo AFP, tỉ lệ lạm phát của Campuchia năm 2007 đã tăng lên 11%, đẩy giá thịt và các nhu yếu phẩm khác tăng lên hơn 40%. Hiện 1kg gạo ở Campuchia giá gần 1 USD, gây không ít khó khăn cho cuộc sống của 1/3 dân số có mức thu nhập chưa đến 0,5 USD/ngày.
Trong khi đó, tại Singapore, Bộ Phát triển cộng đồng - thanh niên và thể thao cho biết sẽ dành ra ít nhất 1 triệu đôla Singapore (730.000 USD) để hỗ trợ những gia đình khó khăn trong cơn bão giá. Báo Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Yu-Foo Yee Shoon cho biết từ tháng một đến tháng ba, bộ đã nhận được 8.600 cuộc điện thoại từ dân chúng, trong đó 22% đề nghị giúp đỡ tài chính, 14% yêu cầu hỗ trợ xã hội và 9% xin giải quyết việc làm. Bà Yu-Foo nói sẽ sớm công bố chi tiết về việc sử dụng quĩ trên, và đảm bảo rằng bộ có đủ khả năng lo cho dân. "Đặc biệt là trẻ em. Các cháu không nên bỏ học vì lý do tài chính!".

Nguồn: Internet