Theo ông Chipeta, để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng mạnh hiện nay, châu Phi phải giảm bớt sự phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu và học cách tự đáp ứng nhu cầu của mình. Các chính phủ cần giảm giá phân bón và cung cấp các loại giống đa dạng, chất lượng tốt và cho sản lượng cao. Ông cũng đề xuất việc tăng đầu tư cho hệ thống tưới tiêu và cho rằng không cần thiết phải dùng đến các giải pháp công nghệ cao như cây trồng biến đổi gien.
Ông Chipeta cho biết hiện Châu Phi nhập khẩu một lượng lương thực trị giá khoảng 25 tỷ USD và nhận tới 1/3 viện trợ lương thực của thế giới. Ông khẳng định sẽ không thể giải quyết được khủng hoảng lương thực của châu Phi thông qua việc tiếp tục hoạt động từ thiện. Ông hy vọng hội nghị kéo dài 1 tuần nói trên sẽ đưa ra những quyết định khả thi cho lĩnh vực nông nghiệp tại châu Phi -hiện đang thu hút khoảng 2/3 lực lượng lao động của châu lục.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Kênia William Ruto cho biết, 46% dân châu Phi đang bị đói. Ông Ruto khẳng định: "Sự phát triển định hướng nông nghiệp là nền tảng để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế và giảm thiểu gánh nặng của nhập khẩu lương thực, đồng thời mở đường hướng tới tăng cường xuất khẩu và tận dụng cơ hội".
Mibido Traore, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của FAO cho biết, cách đây 20 năm, châu Phi còn là nhà xuất khẩu tịnh lương thực. Nhưng trong bối cảnh dân số thành thị tăng và người dân rời bỏ nông thôn để tìm việc làm, các chính phủ đã không đầu tư thích đáng cho sản xuất nông nghiệp và châu lục này đã trở thành các nhà nhập khẩu ròng lương thực.
Reuter
 

Nguồn: Internet