Nguồn tin Bloomberg dẫn báo cáo phối hợp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố ngày 15/6/2010 nhận định giá lương thực - thực phẩm thế giới sẽ tăng trong thập kỷ này, bởi dân số gia tăng và sự thay đổi chế độ ăn uống.

Trong báo cáo triển vọng hàng năm của mình, FAO viết: “Giá các sản phẩm, chỉ trừ thịt lợn, được được dự kiến sẽ được ở trên mức trung bình của giai đoạn 1997-2006".

Tăng trưởng kinh tế ở những thị trường mới nổi là yếu tố quan trọng đẩy nhu cầu và giá nông sản tăng lên. Việc sản xuất nhiên liệu sinh học tăng - thường để đáp ứng mục tiêu của các Chính phủ - cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với lúa mì, ngũ cốc thô, dầu thực vật và đường. Chi phí sản xuất tăng càng làm gia tăng sức ép tăng giá, nhất là khi tiêu thụ năng lượng gia tăng.

Giá ngũ cốc, hạt có dầu, thịt và sữa (điều chỉnh theo lạm phát) trong giai đoạn 2010 – 2019 sẽ cao hơn nhiều so với thập kỷ kết thúc vào năm 2006. Riêng giá thịt lợn sẽ không tăng bởi nguồn cung dồi dào từ Brazil và Trung Quốc.

Sản lượng lương thực - thực phẩm toàn cầu sẽ tăng 70% vào năm 2050 khi dân số thế giới phình lên 9,1 triệu người so với khoảng 6,8 tỷ người nay. Sản lượng nông sản sẽ tiếp tục tăng đủ để đáp ứng nhu cầu tăng.

Giá lúa mì và ngũ cốc thô trung bình sẽ tăng khoảng 15% - 40% trong thập kỷ tới, so với giai đoạn 1997 – 2006. Giá dầu thực vật sẽ tăng 40%, trong khi giá sữa sẽ tăng khoảng 16% đến 45%.

Mặc dù tăng, giá nông sản trung bình sẽ vẫn thấp hơn so với mức đỉnh cao của những năm 2007 và 2008. Do giá hàng hoá giảm, sự đóng góp của giá thực phẩm tưng vào lạm phát đã giảm mạnh trong năm 2009 ở các nước OECD, nhưng vẫn là yếu tố nóng ở những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Chi phí thực phẩm cao, nếu còn tiếp diễn, sẽ không có lợi cho an ninh lương thực, nhất là với những nước nghèo vì họ phải chi phần lớn ngân sách cho thực phẩm.

Đường, thịt bò và thịt lợn đã nằm trong số những nông sản có giá tăng chậm hơn so với những sản phẩm khác trong 2 năm vừa qua, và dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 10% - 20% trong thập kỷ tới so với những năm 2007 – 2008.

Bơ và phomát

So với đỉnh cao của những năm 2007 và 2008, giá lúa mì, gạo, hạt có dầu, khô dầu giàu protein, bơ, phomát và sữa bột tách kem được dự báo sẽ giảm mạmh nhất nếu tính trượt giá (tính giá theo lạm phát).

OECD và FAO cho biết: "Giá thịt lợn không được dự đoán tăng nhiều kể từ năm 2014 do nguồn cung tăng mạnh nhờ năng suất tăng ở Brazil và Trung Quốc”.

Các nước đang phát triển sẽ đóng góp chính vào mức tăng sản lượng nông sản cũng như tiêu thụ và mậu dịch những mặt hàng này. Do thu nhập tăng, bữa ăn của người dân ở những nước này sẽ gia tăng những món như thịt và thực phẩm chế biến, tạo cơ hội cho các ngành chăn nuôi và sữa phát triển. Sản lượng sẽ tăng mạnh nhất ở Mỹ Latinh, Đông Âu và một số quốc gia Châu Á.

Brazil, Ukraine

Sản lượng nông nghiệp của Brazil sẽ tăng 40% cho tới 2019, so với giai đoạn cơ sở là 2007 – 2009. Sản lượng của Ucraina sẽ tăng 29% trong cùng kỳ, cồn của Nga và Trung Quốc sẽ tăng 26% trong khi của Ấn Độ sẽ tăng 21%.

Tăng trưởng sản xuất tại Mỹ và Canada được dự báo sẽ đạt khoảng 10% đến 15%, trong khi của Liên minh châu Âu sẽ tăng dưới 4%.

Mức tăng dân số thế giới dự kiến trung bình 1,1% mỗi năm cho tới 2019, trong đó ở Châu Phi sẽ tăng 2%. "Trên cơ sở trung bình người, mức tăng sản lượng ở những nước kém phát triển đang rất khó bắt kịp tốc độ tăng dân số quá nhanh”.

Mức tăng sản lượng trung bình người giảm ở Bắc Phi và Trung Đông, chủ yếu do nguồn cung nước ngọt hạn hẹp. Tại Châu Phi cận Sahara, sản xuất bình quân đầu người dự kiến sẽ vẫn trì trệ bởi mức tăng sản lượng nông sản không cao hơn bao nhiêu so với mức tăng dân số là 2,2%.

Báo cáo của OECD và FAO viết rằng trong khi thị trường nông sản ngắn hạn sẽ còn biến động mạnh, triển vọng dài hạn cũng còn nhiều điều khó đoán chắc. Sự biến động giá cả trên thị trường thế giới ngày càng tác động mạnh tới thị trường mỗi quốc gia. Mối liên hệ này phụ thuộc nhiều vào chính sách hội nhập của những quốc gia đó với thị trường thế giới, cơ sở hạ tầng của quốc gia đó và đặc biệt là chính sách thương mại và nông nghiệp của họ.

(Vinanet)