Ông Diouf cho hay mặc dù ngành nông nghiệp châu Phi vẫn rất lạc hậu, năng suất thấp và không có khả năng cạnh tranh, song lĩnh vực trên vẫn đóng vai trò trụ cột đảm bảo an ninh lương thực cho châu lục này. Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp khi lĩnh vực này chiếm tới 70% tổng sản phẩm trong nước, thu 50% lực lượng lao động và 11% kim ngạch xuất khẩu của châu Phi.
Ông Diouf cho biết với quyết tâm chính trị cao và khả năng quản trị tốt, châu Phi có thể nâng cao sản lượng lương thực và tự túc được lương thực. Giá lương thực trên thế giới hiện tăng quá cao, cùng với các nhân tố khác như sự biến đổi khí hậu, quá trình tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học từ sản phẩm nông nghiệp, quá trình đô thị hoá và dân số tăng quá nhanh, dịch bệnh với cây trồng và vật nuôi đang hủy hoại an ninh lương thực của châu Phi.
Theo ông Diouf, vấn đề mất an ninh lương thực là vấn đề chính trị. Năm 2003, các nhà lãnh đạo châu Phi đã cam kết dành ít nhất 10% ngân sách đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy vậy, báo cáo của Liên minh châu Phi cho hay chỉ có 1/5 quốc gia châu Phi đạt hoặc vượt mục tiêu này. Trong 30 năm qua, nhập khẩu lương thực của châu Phi tăng nhanh hơn xuất khẩu và châu Phi trở thành châu lục nhập khẩu lương thực. Theo FAO, hiện có một số nguyên nhân lớn cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp châu Phi là vấn đề nước, đất canh tác, phân bón và cây giống.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam