Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định an ninh lương thực thế giới đang đối mặt với nguy cơ, do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đe dọa phá vỡ sự bùng nổ trong lĩnh vực trồng khoai tây ở các nước đang phát triển.
FAO cho biết sản lượng khoai tây của các nước đang phát triển có thể sụt giảm khi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới làm giảm hoạt động đầu tư, thương mại, cũng như khả năng tiếp cập nguồn tín dụng của nông dân. Mối đe dọa này xuất hiện vào thời điểm khi khoai tây đã trở thành một loại nông sản quan trọng và sinh lợi tại nhiều nước đang phát triển.
Báo cáo của FAO cho hay hơn 50% mức sản lượng khoai tây kỷ lục 325 triệu tấn của thế giới năm 2007 được sản xuất tại các nước đang phát triển. Trung Quốc là nhà sản xuất khoai tây lớn nhất toàn cầu, trong khi Băngla Đét, Ấn Độ và Iran là những nước tiêu thụ khoai tây hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, dựa vào các số liệu thống kế mới nhất, báo cáo của FAO cho rằng "các đám mây đen" đang bao phủ lên triển vọng của ngành trồng khoai tây trong năm tới. FAO nói thêm, các nước phát triển có thể sẽ đưa ra những hàng rào thương mại, vốn đã áp dụng những mức thuế quan khắt khe đối với các sản phẩm khoai tây nhập khẩu, trong khi cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ khiến cho người nông dân không vay được tín dụng để đầu tư cho sản xuất trong năm 2009.
Ông NeBambi Lutaladio, điều phối viên chương trình Năm Khoai tây Quốc tế 2008 của FAO, cho rằng cần thiết phải tiến hành ngay một diễn đàn mới về nghiên cứu và phát triển khoai tây, nhằm đảm bảo an ninh lương thực của các nước và đem lại những cơ hội thị trường mới cho các nhà sản xuất khoai tây.

Nguồn: Tân hoa xã