Trong buổi diễn thuyết tại Hiệp hội quan hệ ngoại giao, ông Bernanke cho biết, 10 năm trước, một số vốn khổng lồ bắt đầu được bơm vào Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác, và kết quả hiện nay cho thấy, số vốn khổng lồ này chưa phải là một sự đầu tư “khôn ngoan”. Sự đầu tư sai lầm này đã khiến lòng tin của các nhà đầu tư sụp đổ, thị trường tín dụng bị mất tác dụng.

Gần đây, chính phủ các nước trên thế giới đều phải liên tục áp dụng các biện pháp để khôi phục lại chức năng và khai thông dòng chảy tín dụng của thị trường tài chính. Chính phủ Mỹ còn quyết tâm đảm bảo các cơ quan tài chính của Mỹ vẫn có thể tiếp tục thực hiện chức năng của mình. Ông Bernanke đã nhận định, nếu hệ thống tài chính chưa lấy lại sự ổn định, thì kinh tế sẽ không thể khôi phục được.

Theo ông Bernanke, nếu hệ thống tín dụng của Mỹ ổn định lại, suy thoái kinh tế trong năm nay sẽ chấm dứt, đến năm 2010 có thể có tăng trưởng kinh tế. Do nền tảng của nền kinh tế Mỹ khá tốt, nên nó sẽ sớm khôi phục. Tuy nhiên, thời điểm khôi phục thì lại chưa thể xác định được.

Ông Bernanke cho biết, tình hình thị trường lao động ngày càng xấu hơn, mặc dù đây không hẳn là vấn đề cơ bản. Theo dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ tăng hơn 10%. Vào tuần trước, chính phủ Mỹ đã công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 01 là 8,1% - mức cao nhất trong vòng 25 năm qua. Tuy nhiên, điều mà ông Bernanke và các quan chức khác cùng quan tâm là làm thế nào để ổn định thị trường.

Ông Bernanke đã đưa ra 4 khía cạnh liên quan đến nhu cầu ổn định lâu dài của hệ thống tài chính, đó là: Các cơ quan có hệ thống tài chính lớn; cơ sở hạ tầng của tài chính, giám sát quản lý và giám sát phòng tránh rủi ro. Đề cập đến vấn đề tồn tại của các cơ quan tài chính lớn, ông Bernanke cho biết, khi một cơ quan nào đấy phá sản, có thể sẽ khiến cho cơ quan này chịu rủi ro mang tính hệ thống.

Ông Bernanke còn đưa ra các biện pháp để giải quyết “mối suy thoái tiềm ẩn” của thị trường tiền tệ, đó là: Thứ nhất, tăng cường hạn chế nghiêm ngặt các công cụ tài chính khi đầu tư vào thị trường tiền tệ, có thể sẽ yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn nợ, tăng tính lưu động; Thứ hai, xây dựng một hệ thống bảo hiểm duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ. Các quan chức của FED cũng đang xem xét việc cải cách quỹ bảo hiểm tiền gửi.

Còn về vấn đề phụ trách giám sát rủi ro mang tính hệ thống, có người đã kiến nghị FED nên đảm nhiệm chức trách này, nhưng cũng có người lo lắng điều này sẽ khiến cho nhiệm vụ của FED quá nặng. Nhưng việc này sẽ phải đợi chờ quyết định từ Quốc hội Mỹ.
( Vitinfo)

Nguồn: Internet