Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á – Nam Á (Bộ Công Thương), gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào châu Phi (chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này), với hơn 1 tỷ USD/năm. Trong khoảng 5 năm tới, đây vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu số một vào châu Phi, vì nhu cầu của thị trường  này về gạo cao, còn nguồn cung thì hạn chế.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ hai, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Châu Phi. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống khác vào thị trường này là giày dép, cà phê, hạt tiêu, cao su… Những năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu thêm các sản phẩm điện tử, cơ khí, đồ nhựa, giày dép, đồ gỗ, xe máy, xe đạp, thực phẩm…, nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao.

Nhìn vào cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi, có thể thấy mặt hàng xuất khẩu còn hẹp và đơn điệu, tập trung vào một số mặt hàng như nông sản, giày dép, dệt may… Trong khi đó, châu Phi có nhu cầu lớn đối với đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ hộp, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, sản phẩm nhựa… Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam nhưng chưa được các doanh nghiệp tận dụng khai thác.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Phi, các chuyên gia khuyên rằng, do khoảng cách địa lý khá xa, nên doanh nghiệp cần xem xét khả năng mở kho ngoại quan hoặc gian trưng bày bán hàng ở các nước sở tại. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác quảng bá và tiếp cận thị trường bằng cách tham gia các cuộc triển lãm quốc tế, quảng cáo thông qua trang web. Thương mại điện tử là phương thức buôn bán hiện đại đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích to lớn, đặc biệt là giúp tiết kiệm chi phí đối với thị trường xa xôi như châu Phi.

Theo Tham tán thương mại Việt nam tại Châu Phi, đầu tư tại chỗ là một hình thức kinh doanh mà các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng để thâm nhập thị trường châu Phi, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn của nền kinh tế Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có một số dự án đầu tư tại Angola, Lybia, Algeria, Namibia, Nam Phi… trong lĩnh vực khai thác dầu khí, sản phẩm nhựa… Tuy nhiên, các tập đoàn dầu khí, công nghiệp, cơ khí… cần chủ động tìm kiếm, tham gia đầu tư hợp tác , liên doanh, liên kết hơn nữa đối với các đối tác châu Phi, nhất là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khoáng sản – những lĩnh vực tiềm năng của nhiều nước châu Phi.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc việc đầu tư tại chỗ để tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động địa phương và hưởng các ưu đãi về thếu và phi thuế quan. Sự thiếu vắng trên thị trường châu Phi những mặt hàng vật liệu xây dựng, các loại máy sản xuất nông nghiệp cầm tay, đồ gỗ, dân dụng hoặc các thiết bị điện tử dân dụng, xe máy, xe đạp… có thể là những gợi ý cho các doanh nghiệp lập cơ sở sản xuất tại chỗ, hoặc thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm ở châu Phi…

 
 
 
 

Nguồn: Vinanet