Nguồn cung hiện nay vẫn rất đầy đủ. Sản lượng thóc các tỉnh phía Bắc cả năm 2011 khá cao nên không cần điều chuyển từ phía Nam ra.

Trước thông tin cho rằng “cơn sốt” giá sắp lan sang mặt hàng lương thực thiết yếu nhất là gạo, cùng với thông tin gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng giá cao kỷ lục trong vòng 3 năm qua, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định khó có thể xảy ra “sốt” giá gạo do nguồn cung hiện rất dồi dào.

Vào đầu tháng 8, giá các loại gạo trên thị trường đã tăng trung bình khoảng 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng việc tăng giá ở mức độ khoảng 1.000 đồng/kg là điều hoàn toàn bình thường trong điều kiện giá cả nhiều mặt hàng đều tăng.

Ông Ngọc khẳng định khó có thể xảy ra một đợt “sốt” giá gạo do nguồn cung hiện nay vẫn rất đầy đủ. Sản lượng thóc các tỉnh phía Bắc cả năm 2011 đạt khoảng trên 13 triệu tấn. Vì vậy, các tỉnh phía Bắc có thể tự cân đối giữa để đáp ứng đủ nhu cầu trong vùng, không cần điều chuyển từ phía Nam ra. Ở khu vực TPHCM và ĐBSCL cân đối cung – cầu theo từng tháng từ nay đến cuối năm cũng dư một lượng gạo đáng kể.

Cụ thể, tháng 8 còn dư khoảng 1,58 triệu tấn gạo, tháng 9 dư 720.000 tấn, tháng 10 dư 330.000 tấn và tháng 11 dư 390.000 tấn, tháng 12 còn khoảng 140.000 tấn.

Còn theo ông Trần Bá Hoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), việc gạo tăng giá có lý do lo ngại từ dự báo thời tiết diễn biến bất thường, cũng có liên quan đến thông tin nhiều nước nhập khẩu tăng mức dự trữ.

Đồng thời, việc tăng giá trên thị trường cũng có tác động từ việc chính phủ mới của Thái Lan dự kiến nâng giá mua lúa cho nông dân nước này. Nhưng ông Hoàn cũng khẳng định việc “sốt” giá gạo không thể xảy ra trong thời điểm hiện nay vì nước ta cứ 3 tháng lại có 1 vụ thu hoạch. Hơn nữa, lượng dự trữ của 2 tổng công ty lương thực nhà nước là Vinafood 1 và Vinafood 2 đủ mạnh để can thiệp thị trường khi cần thiết.

(ĐCSVN)

Nguồn: Tin tham khảo