Từ đầu năm tới nay, giá bột mì tại Philippine đã tăng 10%, chủ yếu do giá lúa mì leo thang trên thị trường thế giới.
Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội các Nhà máy Bột mì Philippine, Ric Pinca, nếu giá nhập khẩu lúa mì tăng, giá bột mì nội địa chắc chắn phải tăng lên.
Trong năm qua, chi phí nhập khẩu lúa mì đã tăng gần gấp 3, trong khi giá bột mì tại Philippine chỉ tăng khoảng 60%.
Hiện giá lúa mì thế giới giao dịch ở mức khoảng 601 USD/tấn, FOB, cảng Tây Bắc Thái Bình Dương, tăng so với chỉ 222 USD/tấn một năm trước đây.
Giá bột mì tại Philippine hiện tăng tới 957 PHP/bao 25 kg, so với mức 600 PHP/bao 60 kg.
Tuy nhiên, giá bột mì tăng quá nhiều có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng, bởi người tiêu dùng đã bị tác động bởi giá hầu hết các lương thực cơ bản đều tăng cao, trong đó có gạo – lương thực chính.
Để người tiêu dùng không chuyển sang các mặt hàng thay thế khác có giá rẻ hơn, các nhà máy bột mì Philippine cần gánh chịu một phần chi phí nguyên liệu tăng, chứ không để người tiêu dùng phải chịu hoàn toàn.
Hiện ngành sản xuất bột ngũ cốc Philippine chỉ hoạt động ở 50% công suất bởi giá ngũ cốc cao và thiếu hụt nguồn cung một số loại ngũ cốc.
Thực tế là việc đảm bảo nguồn cung đối với các nhà máy sản xuất cũng đang trở nên khó khăn. Trung Quốc đã không chấp nhận đề nghị xuất 1 lần 200.000 tấn lúa mì cho nước này. Vì gần với Trung Quốc nên Philippine muốn mua lúa mì Trung Quốc để giảm chi phí vận chuyển. Song việc Trung Quốc từ chối cấp hàng đã làm tăng mạnh giá lúa mì tại Philippine.
Hàng năm, Philippine nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn lúa mì lương thực, chủ yếu từ Mỹ và Canada.
Việc Philippine có nhu cầu mua lúa mì đúng lúc hầu hất các nước xuất khẩu lúa mì ở châu Á tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu đã đẩy giá tăng mạnh.
Các nhà phân tích dự báo giá lúa mì sẽ không giảm trước tháng 9. Từ tháng 9, thị trường này có thể sẽ hạ nhiệt khi Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu bắt đầu vào vụ thu hoạch của mình. Triển vọng sản lượng lúa mì thế giới năm nay sẽ tăng lên nhờ sản lượng của Canada, EU, Trung Quốc và nhiều nước khác tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa mì thế giới năm 2007/08 sẽ đạt 606,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu toàn cầu lên tới 619,1 triệu tấn.
Canada dự kiến sẽ tăng diện tích trồng lúa mì thêm 12% trong năm nay bởi giá hấp dẫn. Canada là một trong những nước xuất khẩu lúa mì hàng chất lượng cao hàng đầu thế giới, và chiếm hơn một nửa mậu dịch lúa mì cứng.
 

Nguồn: Vinanet