Giá cà phê nội địa đang dao động quanh mức 40.000 đồng/kg. Giá kỳ hạn arabica giảm quá sâu do đầu cơ bán tháo, kéo giá robusta đi theo. Nhiều người bắt đầu lo lắng…

Hạn hán Brazil: nói vậy mà không phải vậy?

Một hội nghị cà phê thế giới tổ chức tại Brazil được thị trường chờ đợi đã kết thúc vào ngày 8-5 sau hai ngày làm việc. Khi đánh giá sản lượng cà phê “hậu” hạn hán Brazil, ngay trong nội bộ gồm các hợp tác xã (HTX) và cơ sở nghiên cứu tại Brazil đã có nhiều ý kiến trái chiều như HTX Comexim ước sản lượng năm nay của Brazil chừng 48 triệu bao (60 kg x bao), HTX Guaxupe 53 triệu bao, nhưng Quỹ Hỗ trợ Cà phê chỉ nói chừng từ 40,1-43,3 triệu bao…

Một nhà phân tích tại TPHCM góp ý rằng “đừng xem các dự báo sản lượng hàng hóa như cà phê…như là một “phán quyết” dứt khoát đúng, mà hãy xem đó là các con số nghiên cứu của từng đơn vị tùy biến theo cách nhìn riêng về thị trường nay mai tăng hay giảm”.

Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia của các ngân hàng kinh doanh cho rằng khô hạn tại nước xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới là có thực, song không đến mức trầm trọng như nhiều nguồn tin đã đưa. Theo Commerzbank (Đức), giá sàn arabica Ice lên trên mức 200 cts/lb chỉ là hệ quả của những tin đồn “quá lố”, đầy rủi ro và có lợi cho đầu cơ.

Thật vậy, giá sàn arabica Ice New York trong vài ngày gần đây giảm rất sâu. “Nếu bạn tin hạn hán thì cứ việc, nhưng thị trường đã có câu trả lời: giá sàn arabica rớt gần 450 đô la/tấn. ‘Mua theo tin đồn, bán theo thực tế’ (buy rumors sell facts) là thế”, nhà phân tích tại TPHCM giải thích.

Theo ông, nên “canh” sản lượng năm này của Brazil chừng 45-47 triệu bao là hợp lý, giảm so với dự kiến ban đầu 13-15 triệu bao là lớn hơn nửa sản lượng của nước ta rồi còn gì, ông nói thế.

Xuất khẩu cứ tăng “phè phè”

Tuy vẫn nói mất mùa, hạn hán, sản lượng giảm, thế giới thiếu cà phê… Brazil vẫn mạnh tay xuất khẩu, như chưa hề có gì xảy ra! Theo Cecafe - hội đồng xuất khẩu cà phê của Brazil - trong tháng 4-2014 ước xuất khẩu cà phê nước này đạt trên 3 triệu bao, tăng 8,3% so với cách đây một năm. Trong đó, arabica đạt 2,5 triệu bao tăng 8%, robusta đạt 200.000 bao tăng 69%. Như vậy, lũy kế xuất khẩu 12 tháng tính đến hết tháng 4-2014 của Brazil đạt 32,877 triệu bao, tăng 9,7% so với cùng kỳ trước đó.

Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng Brazil “mất mùa” nên xuất khẩu khó có thể vượt 32 triệu bao. Sự thật không phải thế! Thị trường thực tế đã đáp trả bằng cách giá giảm nhanh, giảm mạnh, giảm bất ngờ trong mấy ngày qua.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nhập khẩu cà phê của Mỹ trong tháng 3-2014 đạt 2,25 triệu bao, tăng 15% so với 1,96 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Trong 12 tháng tính đến hết tháng 3-2014, cà phê nhập khẩu vào Mỹ đạt gần 24 triệu bao, tăng 5,1% so với cùng kỳ (xin xem biểu đồ trên: đường màu xanh biểu thị lượng nhập khẩu, màu hồng là hàng tồn kho theo Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ).

Tại châu Âu, báo cáo định kỳ hàng tháng của Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation) cho biết tồn kho cà phê đến hết tháng 3-2014 tại các cảng châu Âu đạt 8,57 triệu bao, chỉ giảm 874 bao so với tháng trước, so với tồn kho cà phê của Mỹ chừng 5 triệu bao Báo cáo tồn kho của Mỹ và châu Âu có ảnh hưởng mạnh đến thị trường vì đây là hai khối nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới.

Giá cà phê rung rinh

Thị trường lại phản ứng “quá lố” trong mấy ngày qua trong và sau hội nghị cà phê tại Brazil. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu 9-5, giá kỳ hạn arabica lại mất điểm mạnh, chỉ còn 183,90 xu/cân Anh (cts/lb), mất đến 20,25 cts/lb tương đương với 446 đô la/tấn so với ngày đầu tháng. Sàn robusta Ice Liffe tại London cũng bị xuống lây, giảm trong kỳ hết 80 đô la/tấn tức từ 2.173 đô la vào ngày 1-5 nay chỉ còn 2.093 đô la/tấn.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, sáng nay thứ Bảy 10-5, giá cà phê nguyên liệu rớt xuống quanh mức 40.000 đồng/kg, mất 1.000 đồng so với cuối tuần trước.

Do giá kỳ hạn và nội địa cùng xuống, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch (differential) giữa giá niêm yết của sàn London với giá FOB (giao hàng qua lan can tàu) nay tăng nhẹ từ mức 80 đô la lên 70 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn hay thị trường thường gọi là giá trừ lùi hoặc cộng tới.

Giá trừ lùi càng cao sẽ hãm sức mua và ngăn đà bán ra. Chính nhờ vậy, giá nội địa sẽ được giữ vững. Vấn đề là liệu với mức 40.000 đồng/kg hiện nay, người đang giữ hàng có vì sợ giá còn rớt nữa để đua nhau bán không… Đó chính là đòn tâm lý trên thị trường hàng hóa. Ai quá nghe theo tin đồn và yếu “bóng vía” sẽ là người thua cuộc trên thị trường đầy trò chơi “ú tim” này.

Nguyễn Quang Bình
Nguồn: TBKTSG Online

Nguồn: Internet