Theo Thông tư 104/2008/TT-BTC thực hiện Pháp lệnh Giá về quản lý bình ổn giá cả hàng hóa, Bộ Tài chính sẽ có thể quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động bất thường.

 Khi giá thị trường trong nước của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục quản lý giá có biến động bất thường: tăng quá cao hoặc giảm quá thấp; lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền về giá, đầu cơ, găm hàng, biến động cung cầu hàng hóa, dịch vụ hoặc do các tin đồn bịa đặt loan tin thất thiệt không có căn cứ về việc tăng giá hoặc giảm giá... thì các cơ quan quản lý sẽ có các biện pháp bình ổn giá.

 Cụ thể, ngoài các mặt hàng đặc biệt như xăng dầu có quy định riêng thì các mặt hàng khác nếu liên tục 15 ngày có biến động tăng giá từ 15 - 20% thì sẽ tính chuyện bình ổn giá.

Đối với xi măng, thép xây dựng: trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ trên thị trường tăng bình quân từ 15%;  

Khí hoá lỏng: 15 ngày liên tục, giá bán lẻ trên thị trường tăng bình quân từ 20% trở lên;  

Phân bón hóa học: 15 ngày liên tục, giá bán lẻ trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động;  

Sữa: 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động...  

Các mặt hàng khác cũng ở trong diện bình ổn này còn có: thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, muối ăn, đường ăn, thóc (lúa), gạo tẻ thường, thuốc phòng, chữa bệnh, cước dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng, một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc... 

Việc bình ổn giá được thực hiện tùy theo tình hình cụ thể và Bộ Tài chính căn cứ tình hình thực tế lập báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố áp dụng một hay một số biện pháp bình ổn giá. 

Các biện pháp bao gồm điều chỉnh cung cầu hàng hóa, mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia, kiểm soát hàng hóa tồn kho và các biện pháp tài chính, tiền tệ.  

Bên cạnh đó, có các biện pháp quy định xuất kinh doanh quyết định mức giá mua bán cụ thể, kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá. 

Mạnh hơn sẽ có thể quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động bất thường. Phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu phần chênh lệch giá tăng bất hợp lý vào ngân sách Nhà nước hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Danh mục hàng hóa phải đăng ký giá

 1 - Xăng, dầu;

2 - Xi măng;

3 - Thép xây dựng;

4 - Khí hóa lỏng;

5 - Nước sạch cho sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ;

6 - Phân bón hóa học: phân U rê, DAP, NPK, phân Lân;

7 - Thuốc bảo vệ thực vật: (tên gốc và tên thương mại) ;

8 - Thuốc thú y;

9 - Muối ăn;

10 - Sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi

11 - Đường ăn;

 12 - Gạo

13 - Thức ăn chăn nuôi gia súc;

14 - Than;

15 - Giấy: giấy in, giấy in báo, giấy viết;

16- Cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng;

17 - Dịch vụ bưu chính viễn thông;

18 - Sách giáo khoa;

19 - Giá vé máy bay trên các đường bay nội địa không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá.

20 - Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá (ngoài danh mục trên) theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
 (Các sản phẩm in đậm đồng thời thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá)

Nguồn: Internet