Giá dầu mỏ và lương thực tăng cao đang hoành hành trên toàn cầu. Việc giá dầu mỏ và lương thực tăng cao đã trở thành những thách thức đối với tất cả các nước cũng như các tổ chức quốc tế. Nền kinh tế của mọi nước, từ nước giàu cho tới nước nghèo đều bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau. Trong đó, đối với những nước nghèo tác động của việc giá dầu mỏ và lương thực tăng cao là nặng nề hơn cả.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cảnh báo, tình trạng nghèo đói ở những nước nghèo, đặc biệt là các quốc gia châu Phi, sẽ trầm trọng hơn do ảnh hưởng của tình trạng tăng giá dầu và lương thực hiện nay.
Ông D.S.Kahn nhấn mạnh: "Nếu giá lương thực tăng cao hơn nữa và giá dầu duy trì ở mức hiện nay, chính phủ nhiều nước sẽ không thể cung cấp đủ lương thực cho nhân dân cũng như duy trì ổn định kinh tế".
Theo một báo cáo của IMF vừa được công bố, chính phủ các nước nghèo đã phải chi thêm hàng tỷ USD để nhập khẩu lương thực và dầu mỏ. Ðiều này kéo theo một loạt hệ lụy: ngân sách nhà nước bị thâm thủng, khoản nợ nước ngoài tăng, kinh tế mất ổn định, những thành quả và nỗ lực xóa đói, giảm nghèo lâu nay đều tiêu tan.
Từ tháng 1-2007, bão giá lương thực đã "tiêu tốn" của 33 nước nghèo phải nhập khẩu lương thực số tiền gần 2,3 tỷ USD, chiếm 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình. Trong khi đó, kinh phí mà 59 nước nghèo phải bỏ ra để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong thời gian này lên tới 35,8 tỷ USD, tương đương 2,2% GDP trung bình. IMF dự báo tại khu vực Mỹ la-tinh, Nicaragua, Honduras và Haiti là những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói nếu không ổn định kinh tế vĩ mô và được cộng đồng quốc tế trợ giúp. Thậm chí, tại Haiti việc tăng giá và thiếu hụt lương thực trầm trọng đã dẫn tới làn sóng biểu tình và bạo lực làm nhiều người chết và bị thương trong thời gian qua.
Kể từ khi giá lương thực tăng vọt từ đầu năm 2008, làn sóng biểu tình, bạo động phản đối đã xảy ra tại nhiều nước châu Phi và châu Á. Trong vài tuần qua, đường phố lớn ở một số nước châu Âu tràn ngập người biểu tình, đình công đòi tăng lương, phản ánh nhu cầu bức thiết hiện nay kìm hãm tốc độ leo thang giá cả.
IMF cho rằng giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng khan hiếm lương thực hiện nay là các thị trường lương thực cần mở cửa và dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng như chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực. IMF cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác và nâng cao vai trò trong việc "hạ nhiệt" giá dầu và lương thực, giúp các nước nghèo hạn chế tối đa những ảnh hưởng của tình trạng giá dầu và lương thực tăng cao.
Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) kêu gọi các nước phát triển chấm dứt chính sách trợ giá nông sản, vì cho rằng đây là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trên thế giới, đồng thời dẫn đến tình trạng đói nghèo tại các nước đang phát triển và góp phần gây ra hiện tượng di cư.
Ðể tìm lối thoát cho tình trạng giá lương thực tăng cao hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Chính phủ Brazil đã thông qua khoản tín dụng trọn gói 49 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng sản lượng trồng trọt lên mức kỷ lục 150 triệu tấn và giúp nước này giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới gần đây tiếp tục tăng "phi mã". Trong những ngày đầu tháng 7, giá dầu mỏ tăng đều đặn từng ngày và đã vượt ngưỡng 146 USD/thùng. Trong khi đó, tại Ðại hội Dầu mỏ thế giới lần thứ 19 vừa diễn ra ở Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bác bỏ lời kêu gọi định biên độ cho giá dầu.
Ông Ch.Khelil, Chủ tịch OPEC nêu rõ, hồi tháng 3-2000, OPEC cũng đã đặt ra biên độ giá dầu khoảng từ 22-28 USD/thùng, song biên độ này đã bị phá vỡ vào tháng 1-2005 do nhiều yếu tố thị trường.
Ông Khelil nhấn mạnh rằng, nguyên nhân chính khiến giá dầu phi mã không phải do thiếu nguồn cung, mà chủ yếu là do tình trạng đầu cơ cùng với sự suy yếu của đồng USD và tình hình địa chính trị trên thế giới, trong đó có quan hệ căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây. Ông khẳng định, cho dù nhu cầu tiêu thụ có gia tăng nhưng với nguồn cung dự trữ cho 53 ngày hiện nay là quá dồi dào trên thị trường.
Ông Khelil cảnh báo, giá dầu có thể tiếp tục leo thang và có thể sẽ lên tới 170 USD/thùng do nhu cầu tăng đột biến trong mùa hè này, nhưng đến cuối năm giá dầu có thể hạ nhiệt do nhu cầu giảm.
Trước tình trạng giá nhiên liệu tăng cao và trữ lượng dầu mỏ ngày càng cạn kiệt, nhiều nước trên thế giới đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bền vững, hay còn gọi là năng lượng "Xanh".
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) vừa công bố, năm 2007 các nước trên thế giới đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bền vững 148 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2006. Hiện tổng nguồn vốn đầu tư vào năng lượng bền vững là 204,9 tỷ USD, trong đó 98,2 tỷ USD được dành cho các dự án năng lượng tái sinh thế hệ mới, đặc biệt là vào năng lượng gió. Ước tính, tổng vốn đầu tư hằng năm để phát triển năng lượng "Xanh" sẽ lên đến 450 tỷ USD vào năm 2012 và hơn 600 tỷ USD vào năm 2020.
Việc giải quyết tình trạng giá dầu và lương thực tăng cao trên thế giới hiện nay là trách nhiệm của tất cả các nước trên thế giới, trong đó các nước phát triển có vai trò quan trọng hàng đầu. Ðây cũng là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) diễn ra tại Hokkaido (Nhật Bản) từ ngày 7 đến 9-7.
Hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ tìm ra những biện pháp có hiệu quả để giải quyết những thách thức toàn cầu, trong đó có tình trạng giá nhiên liệu và lương thực leo thang, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian dài.

Nguồn: Nhân Dân