Giá đậu tương đã liên tục tăng trong năm 2007, đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay vào ngày 3/1/08 do nhu cầu mạnh, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhu cầu đậu tương và dầu đậu tương thế giới không ngừng tăng lên, trong cả lĩnh vực thực phẩm cũng như nhiên liệu sinh học.
Nhu cầu mua đậu tương mạnh, đặc biệt từ Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá đậu tương tăng mạnh trong thời gian qua. Tăng trưởng kinh tế mạnh ở Trung Quốc đã đẩy tăng nhu cầu nhiều loại hàng hoá, trong đó có thịt và ngũ cốc, nâng tiêu thụ đậu tương tăng theo. Nhập khẩu đậu tương Trung Quốc tháng 10/07 đạt 2,845 triệu tấn, tăng 27,3% so với một năm trước đó, đưa tổng lượng đậu tương nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 10 đạt 24,540 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Dan Basse, chủ tịch tập đoàn AgResource Co. ở Chicago cho rằng tương lai nhu cầu đậu tương Mỹ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế Trung Quốc.
Không chỉ đậu tương, nhu cầu các sản phẩm đậu tương mạnh cũng góp phần điều khiển thị trường đậu tương trong suốt năm 2007. Giá dầu và khô đậu tương đang và sẽ tiếp tục gây áp lực tăng giá đậu tương. Nhu cầu khô đậu tương có thể sẽ mạnh hơn vào năm 2008 với nhu cầu thịt ở châu Á tăng lên, việc khôi phục chăn nuôi gia cầm, và việc Trung Quốc khôi phục đàn lợn sau dịch bệnh năm 2007 sẽ đều thúc đẩy giá khô đậu tương tăng lên. Ngoài ra, khô đậu tương cũng còn được hỗ trợ tăng giá bởi nỗi lo về nguồn cung đậu tương, bởi đậu tương quan trọng với nguồn cung khô dầu thế giới hơn là với nguồn cung dầu thực vật thế giới.
Giá dầu đậu tương tăng một phần do nhu cầu tăng đối với các nhiên liệu thay thế, vì dầu đậu tương là nguyên liệu chính để sản xuất diezel sinh học. Khoảng 85-90% chi phí để sản xuất 1 gallon diezel sinh học ở Mỹ thuộc về dầu đậu tương. Những quy chế của các chính phủ về việc tiêu thụ diezel sinh học có thể sẽ đẩy tăng nhu cầu mặt hàng này, và như vậy sẽ duy trì giá dầu đậu tương vững. Ngân sách năng lượng Mỹ dành cho sản xuất và tiêu thụ diezel sinh học năm 2012 là 1 tỷ gallon. Như vậy, sản xuất diezel sinh học ở nước này sẽ bắt đầu tăng ngay từ 2009, tức là nước này cần phải tăng cường dự trữ dầu đậu tương cho mục đích này, và như vậy có nghĩa là nguồn cung dầu đậu tương thế giới sẽ tiếp tục khan hiếm. 
Nhu cầu là yếu tố lớn điều khiển giá đậu tương, song nguồn cung khan hiếm cũng tác động rất mạnh. Năm 2007, do nông dân Mỹ tăng cường trồng ngô nên diện tích trồng đậu tương bị giảm 12 triệu acres so với năm trước. Với diện tích trồng đậu tương giảm mà nhu cầu lại tăng, dự trữ cuối vụ bị co lại. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo dự trữ đậu tương Mỹ cuối niên vụ 2007/08 sẽ chỉ còn 185 triệu bushel, giảm so với mức kỷ lục 573 triệu bushel cuối niên vụ 2006/07. Điều đó có nghĩa là sản lượng của khu vực Nam Mỹ có vai trò sống còn để bù lại chỗ thiếu hụt ở sản lượng của Mỹ, và điều đó sẽ có vai trò quan trọng trong việc quyết định xu hướng giá đậu tương. Nói cách khác, nhu cầu của thế giới sẽ được đáp ứng phần nhiều bởi vụ mùa của Nam Mỹ chứ không phải của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn về sản lượng của Nam Mỹ, trong khi hoàn toàn chưa thể biết chính xác khả năng xuất khẩu của Mỹ trong niên vụ này, bởi bất kỳ vấn đề nào ở Bán cầu Nam sẽ đều dẫn tới tăng nhu cầu đối với lượng dự vốn sẽ khan hiếm của Mỹ.
 Dự báo giá đậu tương năm 2008 sẽ biến động mạnh. Ngay từ đầu năm, giá sẽ dao động khoảng 1 USD- 1,5 USD.  Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 sẽ hạn chế ở mức 13,50 USD/bushel trong năm 2008 so với 11,50 USD/bushel cuối năm 2007 nếu không có những vấn đề thời tiết bất thường ở Mỹ hoặc Trung Quốc, song nếu thời tiết xấu làm giảm cung đậu tương Trung Quốc thì có thể sẽ lên tới 14,60-14,80 USD/bushel. Nếu thời tiết bình thường, giá đậu tương trung bình năm 2008 sẽ khoảng 12,80 đến 12,90 USD/bushel. 

Nguồn: Vinanet