Mấy ngày nay, nhiều loại gạo tại TP HCM và Hà Nội tăng giá liên tục, có loại chỉ 3 ngày đã đắt thêm 1.000-1.200 đồng mỗi kg. Đây được coi là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tại chợ Thái Bình quận I – TPHCM gần tuần nay nhiều loại gạo biến động giá liên tục. Tăng mạnh nhất là gạo ngang, bụi nở, bởi chỉ mới mấy ngày đã tăng 1.000-1.200 đồng một kg. Giá bán tới tay người tiêu dùng hiện khoảng 12.000 đồng, thay vì 10.800-11.000 đồng như tuần trước. Đây lại là gạo bán chạy nhất, do phù hợp với túi tiền của nhiều người.

Trong khi đó, các loại gạo ngon như: thơm thái, thơm Đài Loan, thơm Mỹ, tài nguyên... cũng đắt hơn nửa cuối tháng 7 từ 700 đến 800 đồng/kg. Tuy mỗi ngày chỉ nhích 200-300 đồng nhưng cứ tăng liên tục nên chỉ sau vài ngày đã đắt thêm gần 1.000 đồng.

Tháng 7 âm lịch, nhiều người mua gạo cúng chùa với số lượng hàng trăm kg. Tuy nhiên, một số tiểu thương cho biết, nếu chốt giá thời điểm này có thể sẽ hòa vốn hoặc lỗ. Bởi người mua đa phần chỉ đặt hàng trước với mức giá hiện tại, nhưng lại lấy hàng sau đó vài ngày hoặc cả tuần. Lúc bấy giờ, gạo có thể đã ở mức giá khác, nhất là khi hiện nay giá gạo có xu hướng biến động mạnh.

Từ nhiều ngày nay, giá gạo tại nhiều chợ lẻ ở Hà Nội cũng rả rích tăng, đa phần các loại gạo tẻ đều tăng khoảng 400-700 đồng/kg. Cụ thể với một cân gạo tẻ, loại Bắc Hương giá 15.500 đồng/kg; Khang Dân có giá 12.000 đồng; Tám Điện Biên và Tám Thái giá lần lượt là 16.000 và 20.000 đồng....Gạo nếp cũng tăng từ 21.000 lên 25.000 đồng/kg.

Theo hầu hết các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao là do giá nhập hàng tăng mạnh.

Lãnh đạo Công ty lương thực TP HCM xác nhận, giá nguyên liệu thời gian gần đây tăng mạnh và hiện đứng mức cao, so với tuần trước đã tăng 700-1.000 đồng một kg. Gạo 5% tấm trước đây mua dưới 10.000, khoảng 9.200-9.400 thì hiện đã lên 10.500 đồng. Gạo 15% tấm hiện 10.000 đồng, trong khi vụ đông xuân hồi tháng 4, tháng 5 chỉ 8.700-8.800 đồng. Giá tăng nên mua hàng cũng khó khăn hơn vì lượng bán ra không có nhiều.

Thị trường bên ngoài ngay lập tức cũng lên theo. Tuy nhiên, do doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn, vẫn giữ giá cũ nên sức mua gạo mấy ngày nay ở các cửa hàng bình ổn của công ty tăng khoảng 30-40% so với mấy tháng đầu năm.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá lúa gạo tiếp tục tăng mạnh và triển vọng vẫn tăng trong thời gian tới. Tính đến đầu tháng 8, tại Đồng bằng sông Cửu Long giá gạo 5% tấm không bao bì vượt 10.000 đồng/kg, cao nhất trong 4 tháng qua.

Giá lúa khô loại thường dao động từ 6.400-6.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.650-6.750 đồng/kg, tăng 400 đồng so với tuần trước. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm tăng 250-300 đồng, lên 8.600-8.700 đồng/kg tùy từng địa phương; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm tăng cùng mức lên 8.450-8.550 đồng/kg. Giá lúa gạo liên tục tăng kể từ khi có tin các thị trường Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu trong bối cảnh, giá gạo nội địa ở các nước này cao. Ngay khi kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo của VFA dừng lại, Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo với giá sàn chỉ 400 USD/tấn cạnh tranh với các nước, giá gạo vẫn không hạ.

Mặt khác, nhu cầu cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều nên một số doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào, chưa kể một bộ phận mua dự trữ do lo ngại giá còn tăng đã đẩy giá lúa lên cao.

Tuy nhiên, do chỉ mới thu hoạch 50% diện tích hè thu nên ngồn cung vẫn còn dồi dào. Song, nhu cầu cho xuất khẩu còn lớn nên các doanh nghiệp tiếp tục thu mua để giao hàng cho các hợp đồng đã ký. Đây là động lực giữ giá lúa gạo hè thu đứng mức cao như hiện nay, đại diện Công ty lương thực TP HCM cho biết.

Tuy giá gạo tại các chợ đang tăng mạnh song mặt hàng này bày bán trong các siêu thị hay của các công ty vẫn giữ mức giá được áp dụng từ đầu tháng 7. Quản lý một chuỗi siêu thị áp dụng chương trình bình ổn giá tại Hà Nội cho biết, gạo là một trong 9 mặt hàng thiết yếu, do vậy sẽ không bị biến động giá nhanh như bên ngoài thị trường. Trước mắt, mức giá niêm yết từ 1/7 vẫn được giữ nguyên cho đến hết tháng 8.

(VNE)

Nguồn: Tin tham khảo