Do giá và nhu cầu tiêu thụ gạo xuất khẩu tăng mạnh, giá lúa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng. Tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thương lái mua lúa dài tại ruộng với giá 4.500 đồng/kg, lúa thơm 6.200 đến 6.300 đồng/kg, lúa thường 4.200 đồng/kg... tăng 400 đến 500 đồng/kg so cuối tháng 7.
 
Theo ước tính, với mức giá này, nông dân trồng lúa thơm thu lãi 13 - 15 triệu đồng/ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nên sản xuất lúa thu đông ở vùng có đê bao ăn chắc, thời vụ gieo sạ phải dứt điểm từ ngày 20-8 trở lại để tránh ảnh hưởng vụ đông xuân tới.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến nay, các doanh nghiệp trong cả nước đã ký hợp đồng bán 6,2 triệu tấn gạo. Dự báo, khả năng xuất khẩu gạo trong năm nay của cả nước khoảng 6,3 triệu - 6,4 triệu tấn. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, các DN ký được nhiều hợp đồng thương mại nên đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu. Nhiều địa phương đã cơ bản thu hoạch gần xong lúa hè thu, chỉ còn một phần ở Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Thị trường xuất khẩu đang tiếp tục chuyển biến tích cực.
 
Tổng công ty Lương thực miền nam (Vinafood 2) vừa ký hợp đồng xuất khẩu 100 nghìn tấn gạo 15% tấm sang Băng-la-đét với giá 389 USD/tấn. Băng-la-đét hiện được coi là thị trường đầy tiềm năng, trong tháng 7 đã nhập khẩu 178 nghìn tấn gạo của Việt Nam. Sắp tới, hai nước sẽ đàm phán để Việt Nam bán cho Băng-la-đét thêm 200 nghìn tấn gạo. Ðể bảo đảm giá cao, VFA kiến nghị Bộ Công thương xem xét Băng-la-đét thành thị trường tập trung và giao Vinafood 2 làm đầu mối xuất khẩu. Hợp đồng tập trung sẽ được phân bổ cho các đơn vị mua gạo tạm trữ. VFA cũng cảnh báo doanh nghiệp không được bán phá giá vào thị trường này.
 
 

Nguồn: Tin nhanh hàng ngày